Nhân sự - bí quyết thành công của doanh nghiệp vừa và nhỏ

"Nhiều khi tôi phải kiêm luôn nhiệm vụ là trưởng phòng kinh doanh, là nhân viên thiết kế...", ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc công ty TNHH Hùng Phát, tâm sự trong hội thảo về bí quyết thành công trong quản lý được tổ chức cuối tuần qua tại TP HCM.

15.5925

Công ty Hùng Phát đang có mặt trên thị trường với 60 sản phẩm thảo mộc, cà phê và các loại bột giải khát. Chủ nhân của nó đã thành công trong mô hình phân phối và khảo sát thị hiếu người tiêu dùng qua những quán cà phê mang tên gọi hấp dẫn như “Thư giãn trà quán” (tại TP HCM). Ông Hùng cho biết, mình luôn tìm kiếm và cập nhật các thông tin về những sản phẩm cùng loại qua Internet. Từ đó, tìm cách đổi mới công nghệ và mẫu mã, đưa ra những sản phẩm có chất lượng và hợp khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam, ổn định về giá thành, có chương trình khuyến mãi hợp lý cho đại lý các cấp và khách hàng.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, vấn đề nhân sự mới chính là yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp. Đó cũng là khó khăn nhất của công ty khi muốn xây dựng một đội ngũ nhân viên có năng lực.

Nhiều doanh nghiệp tham dự hội thảo đều đồng ý với quan điểm trên. Ông Lê Quốc Thái, Trưởng phòng kinh doanh công ty Nevision, nhận định hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều gặp trở ngại lớn nhất về mặt nhân sự. Có thể là do mức lương thấp hơn so với các công ty nước ngoài, hoặc những công ty có quy mô lớn hơn. Đồng thời nhân viên không nhận thấy được khả năng thăng tiến của mình trong doanh nghiệp... Do vậy, ông cho rằng các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ lương, thưởng cho nhân viên. Đồng thời, gửi nhân viên tham dự các khóa đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ (dù khoản chi phí này không phải là nhỏ với các doanh nghiệp tư nhân).

Thạc sỹ Đỗ Thanh Nam, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen, nhận xét: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn còn tư duy theo lối cũ. Lãnh đạo không nhìn nhận đúng vai trò của người cộng sự với mình, không xem họ là một nguồn tài nguyên quý giá”. Nặng tính cách gia đình, ôm đồm công việc… là những yếu điểm của lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để rồi từ đó, họ không còn thời gian hoạch định chiến lược, nắm bắt được những cơ hội kinh doanh khác trên thị trường.

Một khó khăn khác khi tìm kiếm nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa do tâm lý của những người trẻ tuổi thích được làm việc trong những môi trường đầy thử thách. Đó là không khí cạnh tranh quyết liệt tại những doanh nghiệp đã có tên tuổi, những công ty đa quốc gia... Giám đốc một doanh nghiệp ngậm ngùi khi kể rằng ông bỏ tiền ra đào tạo các nhân viên mới nhưng sau một thời gian họ đã xin chuyển sang chỗ khác vì "đủ lông đủ cánh".

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các nhà quản trị trong doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến kỹ năng làm việc nhóm của những nhân viên cấp dưới, hiệu quả và tinh thần làm việc chưa được phát huy triệt để. Vì vậy hoạt động đào tạo cho nhân viên cần phải được mở rộng hơn nữa để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới.

Bà Lê Thanh Thủy, chuyên viên đào tạo công ty bảo hiểm AIA, đưa ra lời khuyên cho các nhà quản lý là nên khuyến khích và cho nhân viên thấy được cơ hội thăng tiến. Điều đó sẽ khích lệ và cổ vũ nhân viên hoạt động tốt hơn nhiều.

Buổi hội thảo do chương trình Business Edge (thuộc Chương trình phát triển kinh tế tư nhân - MPDF) tổ chức đã thu hút khoảng 300 doanh nghiệp tham gia.  

N. Phương

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]