“Thống kê ở các địa phương quanh sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) gần đây cho thấy có khoảng 40 em dưới 18 tuổi bị nhiễm chất độc da cam. Đa số tập trung ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) và các phường Hòa Bình, Trung Dũng, Tân Phong (TP Biên Hòa)” - bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, cho biết.

Teo cơ, bại não…

Em Hồ Quang Thái (phường Hòa Bình, TP Biên Hòa) đã 16 tuổi nhưng nhỏ thó, đầu to lại liệt hai chân, tay phải co quắp, luôn đau nhức, phát âm không tròn tiếng… Do sinh non (mới bảy tháng) nên lúc sinh ra Thái chỉ nặng 1,4 kg. Sáu năm sau Thái mới bật ra tiếng nhưng chỉ ú ớ. Sau đó, em thường xuyên khó thở, ho liên tục…

Ông Hồ Minh Quang, cha em Thái, cho biết lúc nhỏ ông thường vào sân bay Biên Hòa nhặt phế liệu, bắt ốc, bắt cá… về ăn; lúc khát thì uống luôn nước ở hố bom, hố đạn. “Thái đã nhiễm dioxin từ tôi. Trước Thái, tôi từng bị mất một đứa con trai khi mới bảy ngày tuổi. Hiện tôi luôn nhức đầu, mỏi tay” - ông Quang kể.

Cùng tuổi với Thái, em Lê Hữu Nghị (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) cũng bị ảnh hưởng dioxin nặng. Nghị hiện không nói được, không di chuyển được do teo cơ tay chân, thường xuyên co giật. Theo bà Nguyễn Thị Kim Yến, mẹ của Nghị, bà từng cùng chồng vào sân bay Biên Hòa nhặt phế liệu và ăn nhiều cá, ếch bắt trong sân bay. Lúc mang thai Nghị, bà bị sốt liên tục. “Em trai của Nghị bị thiểu năng trí tuệ do chất độc da cam. Tôi hiện luôn đau nhức, chồng thì đau lưng, suy thận…” - bà Yến thở dài.

Em Nghị bị ảnh hưởng dioxin nặng nề từ cha mẹ. (Ảnh được sự đồng ý của gia đình). Ảnh: TRẦN NGỌC

Do sống gần sân bay Biên Hòa từ nhỏ, lại thường xuyên sử dụng thực phẩm được nuôi trồng cạnh khu vực sân bay nên ông Võ Hồng Sơn, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa và vợ đều bị nhiễm dioxin. Con trai ông tên Võ Vũ Hồng Hải, 16 tuổi do ảnh hưởng dioxin nên bị bại não, liệt, co giật thường xuyên…

Nhận thức sai, hậu quả lớn

Theo ông Thomas Boivin, đại diện Công ty Hatfield (công ty làm việc theo chỉ đạo của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai và Bộ Quốc phòng), kết quả kiểm tra trong năm 2010 và 2011, cho thấy nồng độ dioxin tại sân bay Biên Hòa vượt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Nồng độ dioxin trong môi trường và ở người tại khu vực sân bay cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Thomas Boivin cho biết dioxin tồn tại trong môi trường sẽ tiếp tục thâm nhập vào các hệ sinh thái thủy sinh và chuỗi thực phẩm. Trong đó, cá nuôi và cá tự nhiên trong khu vực sân bay Biên Hòa bị nhiễm dioxin nặng nề. Thực phẩm rất dễ phơi nhiễm dioxin, vì vậy người dân cần chấm dứt việc nuôi cá, gia súc, gia cầm ở khu vực sân bay Biên Hòa” - ông Thomas Boivin khuyến cáo.

Trong khi đó khảo sát của ThS Trần Tuyết Hạnh (Trường ĐH Y tế công cộng Hà Nội), lại cho thấy: Có hơn 150 người dân (gần 38% người được hỏi) nghĩ rằng nguồn nước, đất, không khí, kể cả thực phẩm nơi họ sinh sống “không bị nhiễm dioxin”. Khảo sát này được thực hiện trên 400 người 16-65 tuổi tại phường Trung Dũng và Tân Phong (TP Biên Hòa). Khảo sát trên còn cho thấy hơn 170 người (43%) cho rằng đun nấu kỹ thức ăn sẽ không bị nhiễm dioxin. Tuy nhiên, theo khoa học, dioxin tinh khiết chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 800OC, dioxin trong thực phẩm muốn phân hủy phải ở nhiệt độ cao hơn. “Do nhận thức không đúng nên nhiều người vô tư sử dụng cá, gia cầm… nuôi bắt tại khu vực sân bay dẫn tới việc họ và con cái bị ảnh hưởng chất độc dioxin rất nặng nề” - bà Tuyết Hạnh nói.

Bà Tuyết Hạnh phân tích: “Một người lớn nặng 50 kg ăn 100 gr thịt vịt/tuần hoặc trẻ em nặng 25 kg ăn 50 gr thịt vịt/tuần trong vòng 50 năm với mức nhiễm dioxin trong thịt vịt là 276 pg/g thì nguy cơ bị ung thư gần 8%. Trên thực tế có 10% dân số (gần 5.730/57.300 người) tại hai phường Trung Dũng và Tân Phong sử dụng thịt vịt hằng tuần. Nếu chỉ tính riêng thịt vịt như nguồn nhiễm dioxin duy nhất thì sẽ có hơn 440 người có nguy cơ bị ung thư”.

Cũng theo bà Tuyết Hạnh, nếu dioxin trong cá lóc (66 pg/g) là nguồn phơi nhiễm duy nhất thì nguy cơ ung thư cho một người lớn nặng 50 kg (ăn 100 gr/tuần) và một trẻ nặng 25 kg (ăn 50 gr/tuần) trong suốt cuộc đời là trên 2%. Qua khảo sát, 80% (trên 45.800 người) dân số hai phường nói trên dùng cá lóc hằng tuần, như vậy ước tính sẽ có gần 870 người có nguy cơ bị ung thư.

Để giảm thiểu số người bị phơi nhiễm dioxin trong tương lai, yêu cầu đặt ra là cần làm sạch sân bay Biên Hòa (bao gồm tiêu hủy chất dioxin tại bãi Z1). Song song đó, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân về con đường phơi nhiễm dioxin qua thực phẩm, khuyên họ không ăn cá, gia súc, gia cầm từ khu vực sân bay.

Ông THOMAS BOIVIN, đại diện Công ty Hatfield

TRẦN NGỌC


Video đang được xem nhiều