Nhiều yếu kém trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản

Liên quan đến 7 sản phụ tử vong tại các bệnh viện, Sở Y tế Quảng Bình vừa triển khai các giải pháp hạn chế tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

15.6065

Việc các sản phụ liên tiếp tử vong sau khi sinh ở Quảng Bình đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về cơ sở vật chất, chất lượng khám, chữa bệnh cũng như khả năng chẩn đoán bệnh để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp của đội ngũ cán bộ, các y bác sĩ và nhân viên tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh này còn nhiều yếu kém.

Điều đó cũng thể hiện khá rõ trong bản báo cáo của Sở Y tế về tình hình tử vong mẹ trong 9 tháng đầu năm 2012. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 19 trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15- 49 tuổi tử vong. Trong đó, 7 trường hợp liên quan đến thai nghén và sinh đẻ thì có 3 trường hợp sản phụ tử vong sau sinh có nguyên nhân trực tiếp liên quan đến các tai biến sản khoa như: băng huyết, đờ tử cung, xuất huyết não, phù phổi cấp do sản giật và 4 trường hợp tử vong do các nguyên nhân khác như: chứng viêm phổi do hội chứng trào ngược sau mổ, suy tim cấp, tắc mạch ối.

Đặc biệt, trường hợp gần đây nhất là ngày 10/9, sản phụ Nguyễn Thị Hồng Phương, trú tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh đã tử vong sau sinh do đờ tử cung, băng huyết nặng. Trước đó, sản phụ Phương được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh để sinh con lần hai. Tại đây, các bác sĩ khoa Sản bệnh viện này nhận định sản phụ và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh, đẻ thường. Kết quả siêu âm lần thứ nhất cho thấy thai nhi nặng 2,9kg, và lần siêu âm tiếp theo là 3,4kg. Tuy nhiên, đến 10h25, ngày 11/9, sản phụ sinh ra một bé trai cân nặng 3,9kg.
Em bé này mồ côi mẹ ngay khi vừa lọt lòng
Sau khi sinh, tử cung sản phụ co hồi kém, máu chảy nhiều và có dấu hiệu không đông. Kíp trực đã tiến hành các phương án xử lý cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên do bệnh nhân thuộc nhóm máu A, người nhà cũng như bệnh viện không có máu tương thích để truyền cấp cứu nên đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới lúc 11h30. Và đến 12h30 cùng ngày, sản phụ đã tử vong tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm, nhiều cán bộ, bác sĩ đã đưa ra những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sản phụ tử vong sau khi sinh liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm là công tác quản lý thai nghén ở tuyến cơ sở, truyền thông giáo dục cho phụ nữ mang thai, ý thức cộng đồng về khám thai và dự phòng còn kém, về hệ thống chuyển tuyến cấp cứu, ngân hàng máu sống…

Nhiều bác sĩ cũng đưa ra nhiều lý do như đội ngũ nhân lực tại các trạm tuyến xã và tại bệnh viện tuyến huyện vẫn còn thiếu, nhiều trạm xá chưa có nữ hộ sinh, thiếu cơ số thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác kiểm tra, giám sát chưa thật chặt chẽ, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới không phát huy hiệu quả…

Nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều lý do như đội ngũ nhân lực tại các trạm tuyến xã và tại bệnh viện tuyến huyện vẫn còn thiếu, nhiều trạm xá chưa có nữ hộ sinh, thiếu cơ số thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Trước thực trạng trên, Sở Y tế tỉnh này cũng đã thừa nhận những yếu kém về cơ sở vật chất, phương tiện, thuốc thiết yếu; công tác khám thai cũng thực hiện không đúng quy trình; thực hiện biểu đồ chuyển dạ và thực hiện xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ cũng đang tồn tại nhiều sai sót; kỹ năng thực hành xử trí cấp cứu sản khoa nhất là băng huyết sau khi sinh ở các tuyến đang còn gặp nhiều lúng túng, thiếu kinh nghiệm.

Tại hội nghị, Sở Y tế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để các cán bộ, bác sĩ thảo luận nhằm góp phần hạn chế tỉ lệ tử vong mẹ và các vấn đề liên quan đến tai biến sản khoa như: Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để tạo sự kết nối, phối hợp giữa phòng Y tế và Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố. Kiểm tra đánh giá những việc làm được và chưa được để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố đến từng cơ sở. Thống nhất các biểu mẫu như bảng quản lý thai, biểu đồ chuyển dạ, hồ sơ bệnh án…

Nhiều phương pháp khắc phục nhằm hạn chế tình trạng sản phụ tử vong sau sinh được nhiều cán bộ y tế quan tâm như: Tăng cường nguồn nhân lực và các kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Xây dựng phương án xử trí các tai biến sản khoa, tùy vào đặc điểm của từng đơn vị trên cơ sở phác đồ điều trị chung của Bộ Y tế. Có phương án đảm bảo nguồn máu sống tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới để cung cấp nguồn máu khi cần thiết. Chấn chỉnh ngay hoạt động phòng chống trong tai biến sản khoa tại tất cả các đơn vị.

AloBacsi.vn
 Theo Đăng Đức, Đặng Tài - Dân trí
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]