Nhờ 1816, đồng bào vùng cao được chăm sóc tốt hơn

Sau 2 năm thực hiện Đề án, các kỹ thuật được chuyển giao cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của tỉnh miền núi này.

15.5869
Trưởng thành qua các tháng tăng cường
 
Sau 2 năm thực hiện, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và đầy trách nhiệm của các bệnh viện Trung ương về đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và chuyển giao kỹ thuật. Họ đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc khoa học, tận tâm với nghề. Bệnh viện Bạch Mai với vai trò là một bệnh viện hạng đặc biệt đã giúp đỡ BVĐK tỉnh một cách toàn diện.
 
Trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, vật tư trang thiết bị y tế giúp cho các bác sĩ Khoa Hồi sức thành thạo trong sử dụng máy thở và chuyển giao kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn.
 

Trong 2 năm, đã có 71 lớp tập huấn, với 1.946 cán bộ được đào tạo lại và 110 kỹ thuật được chuyển giao; tiếp nhận 37 bác sĩ và điều dưỡng, trong đó có 24 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai; 6 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức; 4 bác sĩ của Bệnh viện Răng - hàm - mặt Trung ương; 3 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Mắt Trung ương. 

Trong lĩnh vực tiêu hoá, tiết niệu, hô hấp tim mạch, ung bướu đã giúp các bác sĩ nội khoa được cập nhật và bổ sung những kiến thức mới trong điều trị tiêu hoá, tim mạch, tiết niệu, thần kinh, hô hấp, truyền nhiễm, ung thư. Những kỹ thuật đã được chuyển giao là khâu thắt vòng trĩ, đọc điện tâm đồ và quy trình truyền hoá chất cho bệnh nhân ung thư, chuẩn hoá các kỹ thuật trong xét nghiệm hoá sinh, huyết học, truyền máu, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh về kiến thức siêu âm, chụp CT-Scanner và phân tích kết quả. Các kỹ sư về trang thiết bị đã sửa chữa và bảo dưỡng được hơn 40 trang thiết bị y tế, tiết kiệm cho bệnh viện hàng chục triệu đồng, đồng thời hướng dẫn bảo dưỡng thiết bị cho kỹ sư, kỹ thuật viên Phòng Vật tư thiết bị y tế của bệnh viện.
 
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại, Khoa Phẫu thuật và gây mê về các lĩnh vực phẫu thuật ghép xương chỉnh hình, phẫu thuật nội soi gan mật, các phương pháp gây mê trong phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi.
 
Bệnh viện Răng - hàm - mặt Trung ương Hà Nội đã chuyển giao kỹ thuật trong phẫu thuật hàm mặt và hỗ trợ đầu tư nhiều trang thiết bị cho Khoa Răng - hàm - mặt, đảm bảo đủ trang thiết bị thiết yếu để phục vụ người bệnh. Bệnh viện Mắt Trung ương chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật Phaco, nhãn nhi và nhiều kỹ thuật khác...
 
Hệ thống y tế cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng CSSK
cho cộng đồng.
 
Bệnh nhân phải chuyển tuyến giảm hẳn

Sau 2 năm thực hiện Đề án, các kỹ thuật được chuyển giao cho BVĐK tỉnh đã đạt hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tỉnh. Nhiều căn bệnh trước đây phải chuyển tuyến, nay được sự hỗ trợ của bệnh viện Trung ương đã điều trị thành công tại Yên Bái như: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim trong nhồi máu cơ tim, phẫu thuật nội soi gan mật, phẫu thuật gãy xương hàm mặt, phẫu thuật Phaco, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, truyền hoá chất cho bệnh nhân ung thư...

Đây là kết quả thực sự đáng mừng, minh chứng cho tính khả thi của Đề án. Từ đó có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để Đề án tiếp tục được thực hiện ngày một hiệu quả hơn.
 
Trước hết là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các bệnh viện Trung ương và Sở Y tế tỉnh. Sự phối hợp chặt chẽ thông qua cầu nối là trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến của các bệnh viện Trung ương với Phòng Kế hoạch tổng hợp của BVĐK tỉnh để xác định đúng nhu cầu cần thiết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tránh được tình trạng làm thay và không có việc để làm. BVĐK tỉnh cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ luân phiên yên tâm công tác trong thời gian tăng cường tại cơ sở. Các kỹ thuật chuyển giao được triển khai ngay để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.
 
Việc triển khai Đề án trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với thực tế và có tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển y tế, nguyện vọng của bệnh viện các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây là một bước đột phá có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường cán bộ tuyến trên về cơ sở, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý cho cán bộ của các tuyến dưới. Đồng thời, đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến để người dân được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh một cách tốt nhất, từ đó từng bước nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
 
Theo SK&ĐS
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]