Những bệnh trẻ thường gặp dịp cận tết

Cảm lạnh, táo bón, tiêu chảy, dị ứng… là những bệnh trẻ rất dễ mắc vào những dịp cận Tết.

15.5739

Dịp cận Tết Ất Mùi, với việc thời tiết thay đổi, trẻ được nghỉ học sớm cộng với những xáo trộn lịch sinh hoạt, đồ ăn, thức uống… trẻ thường hay mắc một số bệnh thông thường.

Cảm lạnh, táo bón, tiêu chảy, dị ứng… là những bệnh trẻ rất dễ mắc vào những dịp cận Tết.

Chính vì vậy, để trẻ khoẻ mạnh trong dịp Tết, cha mẹ cần chú ý phòng tránh những bệnh sau:

Cảm lạnh

Vào dịp cận Tết, trẻ được nghỉ học sớm, cùng với việc cha mẹ thường bận "trăm công nghìn việc" nên thường để trẻ vui chơi tự do.

Chính vì vậy, vào dịp cận Tết, trẻ thường bị cảm lạnh. Triệu chứng ban đầu của bệnh là ngứa họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bị cảm lạnh, trẻ hay khò khè, sổ mũi, nước mũi có thể chuyển từ dạng lỏng có màu trong sang đặc hơn màu vàng hoặc xanh.

Tiêu chảy, táo bón

Nạp quá nhiều thức ăn ngon "nhưng không lành" trong ngày gần Tết hoặc ăn thực phẩm để qua đêm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiêu chảy, táo bón.

Vào dịp này, trẻ có thói quen ăn "tẹt ga", nạp quá nhiều thịt, thức uống có gas, thức ăn nhanh mà không ăn rau quả, không chú ý về vấn đề vệ sinh cũng dễ gây tiêu chảy. Bên cạnh thói quen ăn uống thiếu cân bằng, việc trẻ nhịn đi tiêu khi đến nơi lạ hoặc phải ngồi bồn cầu không quen cũng là nguyên nhân gây táo bón.

Bệnh tiêu chảy cấp

Trong những ngày cận Tết, lượng thức ăn trẻ nạp vào cơ thể thường không được tuân theo chế độ ăn uống có sự kiểm soát nghiêm ngặt của các mẹ cho nên đây là một nguyên nhân dễ khiến trẻ mắc phải bệnh viêm ruột non cấp tính do ăn phải những thức ăn bị nhiễm khuẩn.

Đối với triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp, trẻ thường có biểu hiện buồn nôn và nôn ói, sau đó trẻ sẽ đi ngoài tiêu chảy có kèm theo triệu chứng sốt, đầy hơi, bị đau bụng dữ dội. Thông thường bệnh tiêu chảy cấp dễ gây mất nước trong cơ thể và rối loạn điện giải… Vì vậy đối với trẻ, các mẹ phải tuyệt đối nên tuân thủ sự kiểm soát chặt chẽ khẩu phần cũng như thực phẩm khi trẻ ăn.

Dị ứng thức ăn, nôn

Vào dịp này, trẻ nạp vào dạ dày của mình quá nhiều thức ăn, thêm vào đó đối với những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường sử dụng chất tạo màu, gia vị... có thể gây dị ứng thức ăn đối với trẻ. Thông thường sau ăn, nếu cơ thể trẻ dị ứng sẽ gần như ngay lập tức phản ứng lại bằng biểu hiện nôn.

Chú ý cho cha mẹ chăm con dịp cận Tết 

Theo Dân trí, nhằm giúp các bé cùng gia đình đón năm mới trong hạnh phúc, bình an bác sĩ khuyến cáo: Vào cuối năm người lớn thường bận "trăm công nghìn việc" nhưng cũng cần phải dành thời gian quan tâm chăm sóc con em mình.

Để các bé tránh được những loại bệnh nguy hiểm, phụ huynh phải thường xuyên giữ nhà cửa sạch sẽ, khi chế biến thức ăn cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh, tuyệt đối không cho trẻ ăn những thức ăn chưa được nấu chín hoặc thức ăn ôi thiu.

Thời tiết chuyển lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp vì thế trẻ phải được giữ ấm thường xuyên, tránh tiếp xúc với môi trường khói bụi, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn những ngày thời tiết bình thường.

Trong trường hợp thấy trẻ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày kèm theo các triệu chứng ho, sổ mũi, nôn ói hoặc tiêu phân lỏng cần nghĩ đến khả năng bé đã mắc bệnh SXH. Khi trẻ sốt cao kèm lở miệng, và xuất hiện bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối nhiều khả năng bé đã mắc bệnh tay chân miệng.

Với tất cả những biểu hiện nói trên, phụ huynh cần đưa con em mình đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh cho các bé gặp phải những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo An Nguyên - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]