Những dấu hiệu sức khỏe không tốt cho thai phụ

Nếu bị nôn nghiêm trọng, thai máy ít hay bị cúm, thai phụ không được coi thường mà cần đi khám ngay.

15.5837
1. Ra máu ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ

Ra máu có thể cảnh báo nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau. Nếu bạn ra máu nặng, kèm đau bụng, cơn co tử cung, cảm giác như sắp ngất trong quý I thì có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung là trứng đã thụ tinh làm tổ nơi nào đó bên ngoài tử cung, có thể đe dọa đến tính mạng người mẹ.

Ra máu nặng, kèm cơn co tử cung có thể là dấu hiệu sảy thai ở qúy I hoặc nửa đầu quý II. Ra máu, kèm đau bụng ở quý III có thể là do nhau thai bị đứt (nhau thai bong ra khỏi thành tử cung).
 
2. Nôn nặng

Nôn đến mức không thể giữ được thứ gì trong dạ dày thì là dấu hiệu nghiêm trọng. Nếu không ăn (hoặc uống) được, bạn dễ bị mất nước. Suy dinh dưỡng và mất nước ở người mẹ có thể gây nên dị tật ở bé và khả năng chuyển dạ sớm.

Nếu bị nôn nghiêm trọng, bạn cần đi khám sớm. Có một số loại thuốc chống nôn an toàn dành cho thai phụ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đưa lời khuyên trong chế độ ăn hàng ngày, giúp thai phụ tránh nôn.
 

3. Giảm chuyển động của thai

Nếu bé rất hiếu động bỗng trở nên ù lỳ, bạn cần thận trọng. Lý do khiến bé không cử động nhiều như trước có thể do thiếu oxy và dinh dưỡng từ nhau thai. Tuy nhiên, bạn có thể làm bài kiểm tra nhỏ để xem xét cử động của thai. Trước tiên, bạn thử uống chút gì đó lạnh hoặc ăn cái gì đó. Tiếp đến, bạn nằm nghiêng về một bên và cảm nhận dấu hiệu di chuyển của bé trong bụng mẹ. Cũng chưa có con số chính xác xem bao nhiêu cử động là tốt; vì thế, bạn thử so sánh để biết bé cử động nhiều (hay ít) hơn trước kia. Thông thường, 10 (hoặc hơn 10) cú đạp bụng mẹ trong 2h là bình thường. Nếu ít hơn, bạn cần đi khám.

4. Cơn co tử cung xuất hiện ở đầu qúy III

Cơn co tử cung có thể là dấu hiệu sinh non. Tuy nhiên, nhóm người mẹ sinh con đầu lòng thường dễ bị nhầm với cơn chuyển dạ thật và cơn chuyển dạ giả. Cơn chuyển dạ giả còn được gọi là cơn co Braxton-Hick, diễn ra bất ngờ và không gia tăng cường độ. Các cơn co này sẽ giảm bớt sau 1h. Trong khi, cơn co thật sẽ lặp lại trong vòng 10 phút (hoặc ít hơn) với cường độ mạnh lên. Tuy nhiên, bạn không nên quá chủ quan với những cơn co.

5. Ra nước ối

Bạn sẽ có cảm giác dòng chất lỏng thoát ra ở vùng kín nhưng không buồn tiểu. Đó có thể là nước ối nhưng cũng có thể là do tiểu không kiểm soát (do tử cung lớn và đè lên bàng quang). Đôi khi, nước trào thành dòng nhưng có lúc lại ít hơn. Cách ứng phó tốt nhất là bạn cần đi tiểu cho đến khi hết nước tiểu. Nếu chất lỏng đó vẫn thoát ra, bạn cần đi khám sớm.

6. Liên tục đau đầu, đau bụng, thay đổi thị giác, phù trong quý III

Triệu chứng kể trên có thể là của tiền sản giật. Đây là tình trạng nguy hiểm, phát triển tiềm ẩn trong cả thai kỳ. Nó được chẩn đoán bằng cao huyết áp và có protein trong nước tiểu, thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Bạn nên đi khám để bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu sớm.

7. Triệu chứng cúm

Thai phụ dễ bị cúm tấn công hơn người thường do hệ miễn dịch kém hơn. Ngoài ra, thai phụ có nguy cơ bị nhiều biến chứng nguy hiểm do cúm hơn. Triệu chứng cúm nguy hiểm cho bà bầu là:

- Sốt.

- Ho.

- Đau họng.

- Hắt hơi.

- Chảy nước mũi.

- Nôn.

- Tiêu chảy.

Thai phụ cần đến những nơi có xét nghiệm về cúm A/H1N1 để tránh lây cúm cho mọi người. Nếu vẫn khỏe mạnh, thai phụ có thể hỏi ý kiến bác sĩ về văcxin phòng cúm, dành riêng cho bà bầu. Ở vào hoàn cảnh nào, thai phụ cũng không được tiêm văcxin khi bị sốt trên 38,5ºC.
 
TheoWedmd/M&B
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]