Gội đầu
Khi mắc các bệnh trên da đầu và tóc bạn gội loại dầu theo chỉ dẫn của bác sĩ. Gội 3-4 ngày 1 lần. Nếu gội nhiều quá sẽ tẩy hết chất bảo vệ trên da đầu làm bệnh lâu khỏi.
Cách gội đúng: Làm ướt tóc. Cho một lượng dầu gội vừa đủ (khoảng 4-5ml cho 1 lần gội). Gãi nhẹ nhàng trong 4-5 phút. Không được gãi mạnh, chà xát hoặc cào mạnh làm xây xước da đầu thì tổn thương sẽ lan rộng ra và lâu khỏi. Xả sạch bằng nước sạch. Nước pha đủ ấm nếu trời lạnh, không nên dùng nước nóng quá sẽ làm hại da đầu và chân tóc.
Tắm rửa
Nên tắm hoặc rửa ngày 1 lần. Không cạo, không chà xát mạnh, không dùng đá kỳ. Rửa vùng da tổn thương nhẹ nhàng, không làm xây xước da. Không cho xà phòng vào vùng da bị tổn thương.
Bạn có thể tắm bằng nước chanh pha loãng hoặc bằng nước máy sạch là được. Nếu da khô nhiều hoặc viêm da nặng thì bạn dùng loại sữa tắm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bàn tay, bàn chân bị khô, da nứt nẻ thì không nên ngâm nước (kể cả nước lá hoặc pha thuốc) vì ngâm nước sẽ làm da khô hơn và bong vảy nhiều hơn.
Bôi thuốc
- Không gãi, cạo hoặc đánh bằng bàn chải trước khi bôi thuốc.
- Không chà mạnh trong và sau khi bôi thuốc.
- Bôi thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian.
- Khi bệnh chưa khỏi thì phải đi khám lại bác sĩ chứ không nên tự ý dừng thuốc hoặc lại mua thêm thuốc theo đơn đã kê.
- Đặc biệt các tổn thương trên da mặt phải được chỉ định bôi thuốc và chăm sóc hợp lý bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu thì mới không làm hại da mặt trong và sau khi điều trị.
Ăn uống
- Chỉ cần kiêng các thức ăn biết chắc hoặc nghi ngờ gây dị ứng.
- Kiêng rượu, bia, ớt, hạt tiêu trong thời gian dùng thuốc.
- Không cần kiêng các thức ăn như: tôm, cua cá, thịt gà... nếu không bị dị ứng.
- Tăng lượng rau xanh, hoa quả, thức ăn luộc nấu, các đồ uống mát như bột sắn, đỗ đen...
- Uống nhiều nước.
Theo Sức khỏe & Đời sống