Những người cùng lúc mắc hai bệnh ung thư

Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) đã phát hiện được 3 trường hợp cùng lúc mắc hai loại ung thư.

15.6009
Ba trường hợp đầu tiên

Bệnh nhân T. (56 tuổi, ngụ Thái Bình) nhập viện trong tình trạng bị nuốt nghẹn, nôn, gặp khó khăn trong việc ăn uống và thở. Sau khi tiến hành nội soi thực quảndạ dày và làm giải phẫu bệnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy thực quản và ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Bác sĩ Thiều Thị Hằng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T., cho biết, đây là hai loại ung thư hoàn toàn độc lập và khác nhau. Bệnh nhân phải xạ trị để chữa khối u ở thực quản, kết hợp với hóa trị chữa khối u ở dạ dày. Hiện bệnh nhân vẫn phải điều trị hóa chất và tia xạ dù đã hết nuốt nghẹn, đường thở và đường ăn được cải thiện đáng kể.

Bệnh nhân K., (53 tuổi, ngụ Phú Thọ) phát hiện bị ung thư vòm họng. Trong một lần khám định kỳ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn có khối u ở gan. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát trong khi vẫn đang bị ung thư vòm họng.
 
Trường hợp thứ ba là bệnh nhân N., 71 tuổi, khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng ra máu âm đạo. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến nhú của tuyến giáp. Sau khi phẫu thuật cắt tử cung, bệnh nhân tiếp tục điều trị ung thư tuyến giáp bằng việc phối hợp cắt bỏ tuyến giáp, iốt phóng xạ và liệu pháp hormone.
 
Bệnh nhân điều trị hóa chất tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. (Ảnh: K.Linh)
 
Rất hiếm gặp

Tiến sĩ Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân mắc cùng lúc hai loại ung thư chiếm khoảng 0,1% số bệnh nhân ung thư.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong điều trị cho bệnh nhân mắc hai loại ung thư là sức khỏe bị suy kiệt nhanh, trong khi các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật… đòi hỏi bệnh nhân phải có sức khỏe tương đối tốt mới có thể thực hiện được. Do phải sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất khác nhau nên nguy cơ bị tai biến, tác dụng phụ cũng tăng lên.

Hiện cả ba trường hợp trên vẫn phải tiếp tục điều trị bằng hóa chất, tia xạ… “Bệnh nhân bị ung thư, nhất là trường hợp mắc cùng lúc hai loại ung thư thì việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị, nhằm cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ” - Bác sĩ Hằng nói.

Tiến sĩ Khoa cho biết thêm, hiện ít bác sĩ có kinh nghiệm trong chẩn đoán và phát hiện các trường hợp mắc hai loại ung thư do tần suất gặp không nhiều. Do đó, để phát hiện sớm các trường hợp này, nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường tại bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, thầy thuốc cần kiểm tra ngay và cho làm xét nghiệm.
 
Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, giai đoạn tiến triển của cả hai loại ung thư đang tồn tại trong họ, bác sĩ sẽ cân nhắc và quyết định nên điều trị kết hợp cùng lúc hay kết thúc phác đồ điều trị bệnh ung thư thứ nhất, ổn định rồi mới đến phác đồ điều trị bệnh ung thư thứ hai.
 
Theo Báo Đất Việt

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]