Nín tiểu ở trẻ và cách phòng ngừa

Không ít trẻ đi học về liền chạy ngay vào nhà vệ sinh để giải quyết "nhu cầu", nguyên nhân do nhà vệ sinh ở trường dơ, tối… khiến trẻ phải nhịn tiểu.

0

Đây là hành vi ngược với quá trình sinh lý của cơ thể. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dễ sinh ra các bệnh như nhiễm trùng tiểu, nếu không được điều trị triệt để lâu ngày có thể ảnh hưởng đến thận của trẻ.

Ảnh minh họa
Nguyên nhân và hệ quả
Khi bước vào tuổi mẫu giáo, một số bé bắt đầu có thói quen nín tiểu. Môi trường lạ lẫm, sợ khi phải xin phép cô giáo, ngại đi vệ sinh chung… là những lý do được trẻ đưa ra khi nín tiểu.
 
Bên cạnh đó, một số trường học có nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh, dơ, tối hoặc có quá nhiều mùi. Đôi khi trẻ mải mê với một trò chơi nào đó nên quên đi tiểu cũng là nguyên nhân thường gặp.

Theo BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận - BV Nhi Đồng 1 TPHCM, thông thường, vào mùa hè tỉ lệ trẻ đến khám bệnh liên quan đến nín tiểu gia tăng. Vì đây là thời điểm hầu hết các bé được ở nhà và phụ huynh có dịp để ý đến con mình nên phát hiện ra tình trạng nín tiểu ở trẻ. Không ít trẻ quen với môi trường ở lớp nên khi ở nhà cũng giữ thói quen này.

Nhiễm trùng tiểu ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có nín tiểu. Nếu để nhiễm trùng tiểu tái phát thường xuyên sẽ gây nhiễm trùng đường tiểu (viêm thận nhiễm trùng), dẫn đến tạo sẹo trên thận. Nếu không được điều trị kịp thời và triệt để, về lâu dài có thể dẫn đến tổn thương  nhu mô thận, khi đó sẽ để lại di chứng nặng nề về sau như cao huyết áp, suy thận mạn.

Dấu hiệu nhận biết bé nín tiểu

Khi được 18 tháng tuổi, trẻ bắt đầu biết và có ý thức về việc đi tiểu của mình. Bé sẽ có những cử chỉ hoặc hành động ra dấu cho mọi người xung quanh biết. Nếu không tính thời gian ngủ, sau 2-3 giờ bé sẽ đi tiểu 1 lần và khoảng từ 5- 6 lần/ngày.

Trẻ được xem là nín tiểu khi số lần đi tiểu trong ngày của trẻ giảm rõ, hoặc bé vặn vẹo người, hai chân như đang cố ý giữ cho nước tiểu đừng thoát ra ngoài.
 
Tiểu lắt nhắt, tiểu ngắt quãng hay thoát nước tiểu do nhịn tiểu không nổi và bé phải gấp rút chạy vào nhà vệ sinh cũng là dấu hiệu của việc nín tiểu. Lúc này màu sắc nước tiểu đậm, đục, vàng hay đỏ và độ khai cao hơn nước tiểu bình thường (ở trẻ từ 3- 15 tuổi, lượng nước tiểu trung bình từ 0,5 -1 lít/ngày, nước tiểu có màu vàng trong).

Phòng ngừa

- Các bậc cha mẹ cố gắng tập cho trẻ có thói quen đi tiểu từ 2-3 giờ/ lần trong ngày.

- Không nên đợi đến lúc trẻ có triệu chứng khát mới cho uống nước. Theo khoa học, khi trẻ khát cũng là lúc cơ thể trẻ mất đến 30% nước, nếu trẻ khát thường xuyên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mắc phải nhiễm trùng tiểu hay rối loạn đường tiểu…

- Cần để ý đến lượng nước hằng ngày mà bé uống. Bình thường, trẻ sẽ uống từ 100-120ml/kg (trọng lượng cơ thể) /ngày. Tuy nhiên, cũng tùy theo thời tiết nắng nóng, một số trẻ hiếu động, ra mồ hôi nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn.

- Phụ huynh có con trong lứa tuổi mẫu giáo nên thường xuyên nhắc trẻ đi tiểu vì có không ít bé mê chơi quên cả đi tiểu hoặc nín tiểu vì sợ.

- Hướng dẫn các bé gái vệ sinh vùng bộ phận sinh dục sau khi đi vệ sinh để tránh bị viêm.

- Đưa trẻ đi xét nghiệm nước tiểu mỗi năm 1 lần để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị.

- Nên xem việc bổ sung nước và nhắc nhở trẻ đi tiểu quan trọng như nhu cầu ăn uống của trẻ.

Nhiễm trùng tiểu là gì?

Nhiễm trùng tiểu thường do vi trùng gây ra khi chúng xâm nhập vào nước tiểu. Nhiễm trùng xảy ra khi vi sinh vật, thường là vi khuẩn từ đường tiêu hóa, bám vào lỗ mở của niệu đạo và bắt đầu nhân lên. Các vi trùng này đi vào nước tiểu sinh sản nhanh chóng và gây ra nhiễm trùng tiểu.
 
Nhiễm trùng thường chỉ có ở bàng quang gọi là viêm bàng quang, nhưng chúng có thể đi cao hơn lên thận gây viêm thận. Nhiễm trùng nước tiểu thường được gọi chung là nhiễm trùng tiểu. Khoảng 1 trong 20 trẻ em trai và hơn 1 trong 10 trẻ em gái có ít nhất một lần bị nhiễm trùng tiểu khi chúng đến tuổi 16.

Những triệu chứng của nhiễm trùng tiểu

Thông thường, những triệu chứng của nhiễm trùng tiểu rất mơ hồ và tùy thuộc theo lứa tuổi.

Những trẻ em nhỏ và trẻ nhũ nhi có thể có nhiều triệu chứng khác nhau như sốt, ói hay tiêu chảy, ngủ gà, quấy khóc và ăn kém, đau bụng, đi tiểu ra máu.

Ở những trẻ lớn hơn có thể có các triệu chứng như: đau bụng khi đi tiểu, đi tiểu lắt nhắt – là triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang, hay cảm giác đau hông lưng là triệu chứng của viêm thận. Hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, biếng ăn hoặc không tăng cân…

Ở một trẻ đang đi tiểu bình thường nhưng xuất hiện tình trạng đái dầm thì nên đưa trẻ đi khám để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu.

Các rối loạn đi tiểu thường gặp ở trẻ em gồm tiểu gấp, són tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu lắt nhắt, tiểu đau và thường gặp hơn là tiểu dầm.

Các rối lọan này có thể gặp trong nhiều loại bệnh lý thận niệu khác nhau, thường không được các bậc phụ huynh quan tâm theo dõi.

Nếu trẻ có các triệu chứng trên lặp đi lặp lại, đặc biệt sau khi đã được chẩn đoán và điều trị như một bệnh nhiễm trùng tiểu thì các phụ huynh nên đưa trẻ đến khám ở một bệnh viện có chuyên khoa thận niệu nhi.

 
Theo Nguyên Hạnh - Phụ nữ TPHCM
15.6065--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]