Nội soi gắp dị vật trong thực quản bệnh nhi tim

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh vừa thực hiện thành công ca gây mê nội soi gắp dị vật là một đồng tiền xu đã nằm trong thực quản hơn một năm của bệnh nhi Thạch Song, 5 tuổi, ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

15.6046
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh vừa thực hiện thành công ca gây mê nội soi gắp dị vật là một đồng tiền xu đã nằm trong thực quản hơn một năm của bệnh nhi Thạch Song, 5 tuổi, ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Chị Thạch Thị So Quyên, mẹ của bệnh nhi cho biết, cách đây 1 năm, cháu Thạch Song trong lúc chơi đùa đã vô tình nuốt phải một đồng tiền xu, nhưng sau đó thấy cháu ăn uống vẫn bình thường, gia đình nghĩ cháu đã tiêu ra được nên không đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Theo bác sĩ Trịnh Thanh Ly, người trực tiếp thực hiện ca nội soi cho biết, bé Thạch Song được Bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh trong tình trạng sốt cao, khó thở, thở rút lõm lồng ngực, cần phải thở ôxy và thực hiện cấp cứu. Các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh đã hội chẩn, tiến hành các xét nghiệm, chụp Xquang ngực và phát hiện bệnh nhân có một vật cản quang tròn ở vị trí ngang đốt sống ngực 3, 4, 5 cần phải phẫu thuật loại bỏ ngay dị vật để cứu sống cháu.

 Trẻ bị hóc dị vật cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Ảnh: T. Tùng

Ca mổ phức tạp vì bệnh nhi đang bị bệnh viêm phế quản nặng và bị bệnh tim bẩm sinh nên rất khó gây mê. Tuy nhiên, các bác sĩ đã hoàn thành tốt ca nội soi, gắp dị vật. Ngày 16/9, sau 4 ngày được lấy dị vật ra khỏi thực quản, sức khỏe của cháu Thạch Song đã dần hồi phục, ăn uống được. Hiện cháu Thạch Song đang tiếp tục được điều trị bệnh viêm phổi và bệnh tim bẩm sinh.

Nuốt phải dị vật như đồ chơi, cúc áo, đồng xu, thậm chí là cục pin, kẹp tóc… là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi trẻ đang chơi đùa thiếu sự giám sát cẩn thận của người lớn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Riêng trường hợp nuốt phải pin đặc biệt nguy hiểm vì vật này có thể chập nổ hoặc thôi nhiễm axit ăn mòn các bộ phận cơ thể.

Khi trẻ nuốt phải dị vật cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, mở miệng trẻ và lấy những dị vật nhìn thấy được ra, nâng cằm hoặc đẩy hàm để làm thông thoáng đường thở. Chú ý: Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn. Nếu các thao tác trên không có hiệu quả thì hãy cố gắng sử dụng ngay các biện pháp tống dị vật ra ngoài như: Vỗ lưng và ấn ngực nhằm tống bỏ dị vật ra ngoài và làm thông thoáng đường thở. Sau đó phải đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Trong một số trường hợp, dị vật đường tiêu hóa được nhu động ruột đẩy dần xuống dưới và theo phân đi ra ngoài khi trẻ đi cầu hoặc dị vật có thể bị kẹt ở những chỗ hẹp ống tiêu hóa như thực quản, môn vị,… và nằm lại đó. Do đó trẻ cần được khám và chụp Xquang xác định vị trí dị vật để xử trí kịp thời.

Phúc Sơn - Việt An

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]