NSND Lan Hương: Vị của thành công luôn mặn

Cách đây vài năm, Lan Hương - lúc bấy giờ là NSƯT, đã trở thành gương mặt diễn viên sân khấu duy nhất được tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc.

15.6135

Cách đây vài năm, Lan Hương - lúc bấy giờ là NSƯT, đã trở thành gương mặt diễn viên sân khấu duy nhất được tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Trong bản báo cáo đọc tại hội nghị năm đó, chị đã chọn kịch hình thể để tâm sự về chặng đường còn nhiều gập ghềnh đưa thể loại "xem thì thấy thích nhưng chẳng hiểu gì" (như nhiều khán giả từng "thú nhận") đến với số đông công chúng yêu sân khấu Việt Nam.

Năm 2008, niềm hạnh phúc nhân đôi, khi "em bé Hà Nội" vừa "lên" NSND, vừa trở thành một trong bảy gương mặt tiêu biểu đại diện cho phái đẹp cả nước đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển cộng đồng. Không nói thì ai cũng hiểu, nỗ lực xây những viên gạch đầu tiên cho kịch hình thể Việt Nam của chị, một lần nữa đã được xã hội ghi nhận.

Một phần tư thế kỷ Tìm mẹ

Tháng 10 năm 2007, Nhà hát Tuổi trẻ khởi diễn Vườn thiên đàng. Vở kịch hình thể thời lượng 80 phút với 4 phân đoạn chính là bài ngợi ca tình mẫu tử và chuyển tải những thông điệp nhân văn sâu sắc. Người mẹ đau khổ tới mức tuyệt vọng, cố giành giật đứa con thân yêu ra khỏi bàn tay lạnh lẽo của Thần Chết đã được NSND Lan Hương thể hiện vô cùng xuất sắc. Những tràng vỗ tay vang dội, tưởng như không thể dứt mà khán giả dành tặng cho chị dưới khán phòng là lời ngợi khen lớn nhất cho mấy tháng trời quần quật đổ mồ hôi trên sàn tập của cả chị cùng các cộng sự.

Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự cảm nhận đến tận cùng nỗi đau cùng cực, không ngôn từ nào tả nổi của một người mẹ mất con, chị đã phải đi qua một chặng đường đời 25 năm đồng hành cùng Tìm mẹ của nhà văn Anđécxen.

Tuổi ấu thơ, Lan Hương là "con mọt sách". Cô bé nghiến ngấu tất cả những gì "có chữ" lọt vào tầm mắt, từ Không gia đình, Những tấm lòng cao cả... cho tới bộ sử thi tiểu thuyết Sông Đông êm đềm. Say mê đọc truyện cổ Anđécxen, nhưng không hiểu sao chị chỉ thực sự thích và bị ám ảnh mãi bởi câu chuyện Tìm mẹ.

Theo học lớp đào tạo diễn viên khóa 1 của nhà hát, vào học kỳ thứ 3, khi mới tròn 15 tuổi, chị đã liều lĩnh chọn Tìm mẹ để chuyển thể. Cô Phạm Thị Thành biết là rất khó nhưng vẫn khuyến khích thử sức, còn cô Thuỳ Chi thì lo lắng "trèo cao, ngã đau". Trong khi bạn thân Lê Khanh đơn giản chọn Cô bé bán diêm (và đã rất thành công khi lột tả những giấc mơ bình dị mà lóng lánh sắc màu, loé lên rồi tàn lụi dần theo từng que diêm vụt cháy), Lan Hương cứ loay hoay với việc làm thế nào để chuyển tải quá nhiều không gian mà bà mẹ đã trải qua - bằng thứ ngôn ngữ ước lệ của sân khấu?

Bạn cùng lớp giúp đỡ nhiều lắm, người làm bụi cây, người làm quả núi... nhưng diễn tả mãi mà vẫn không thể hiện được ý đồ phức tạp đó. Ở tuổi 15, chị đã kịp nếm vị đắng của thất bại đầu tiên.

Tưởng rằng sẽ quên, nhưng rồi với Nhật nguyệt thực - vở tốt nghiệp khóa đạo diễn 2001- 2005 của Lan Hương, Tìm mẹ được trở lại, trong một diện mạo mới. Một chùm ba kịch ngắn: Người ngựa ngựa người, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo và Tìm mẹ, tổng thời lượng 80 phút là mảnh đất mênh mông cho đạo diễn trẻ Lan Hương tung hoành.

Sau nhiều năm, đời và nghề đều đã chín, 30 phút Tìm mẹ, với ưu thế vượt qua những rào cản về ngôn ngữ của kịch hình thể, đã giúp chị thực hiện được giấc mơ ngày thơ bé. Nhưng 30 phút cũng vẫn không đủ, với riêng chị. Ý tưởng làm Vườn thiên đàng đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của giám đốc - đạo diễn Lê Hùng.

 Lan Hương trong vở Vườn thiên đàng.
"Người có biệt tài kéo người khác vào những việc chưa biết đi về đâu"

Đó là nguyên văn lời nhận xét mà giám đốc - đạo diễn Lê Hùng dành tặng Trưởng đoàn kịch hình thể của mình.

Lan Hương rất thích múa. Cô bé theo học lớp múa thuộc câu lạc bộ thiếu nhi từ ngày còn bé xíu. Đã trúng tuyển vào trường Múa VN nhưng đành ngậm ngùi ở nhà vì lý do sức khoẻ.

Ở lớp đào tạo diễn viên, tất cả các học sinh đều phải theo học kịch câm. Mọi người rất chăm chỉ tập luyện, riêng Lan Hương thì không vì tự nhận "mình mắc bệnh hơi bảo thủ". Chị không thích loại hình nghệ thuật này, bởi theo chị "nó quá cụ thể chứ không bay bổng được như ngôn ngữ múa". Không tập kịch câm, nhưng vở nào của nhà hát cần múa, chị xung phong liền.

Chuyên môn chọn đứng bên cánh gà để tập luyện các động tác cơ bản, chị khiến trưởng đoàn Anh Tú "bực bội" nhiều lần. "Cô làm cái gì liên quan đến múa đi. Nhìn cô cứ đứng múa may một mình thế này, tôi khó chịu quá".

Lời than phiền của ông trưởng đoàn, xem ra lại là một gợi ý rất hay. Lan Hương làm kịch Cảnh ngộ, rồi kịch ngắn Giấc mơ hạnh phúc. Giấc mơ hạnh phúc được chị độc diễn, với đạo cụ cái chổi - nhân vật thứ hai. Ngồi dưói khán phòng, tôi đã thấy dăm ba phụ nữ lén lau nước mắt.

Thừa thắng xông lên, Lan Hương làm cả chương trình Giấc mơ hạnh phúc, với một chùm tiểu phẩm ngắn. "Đồng nghiệp, người trong nghề đều thấy thích vì nó mới, nó lạ. Nhưng họ vẫn có đôi chút e dè, khi có người thú thực chẳng hiểu lắm".

Giấc mơ ấy đã mang lại Giải thưởng lớn cho Lan Hương, tại Liên hoan sân khấu kịch ngắn thể nghiệm quốc tế tổ chức tại Sơn Đông - Trung Quốc. Đó cũng là giải thưởng quốc tế về sân khấu đầu tiên của Việt Nam.

Cho tới nay, hành trang kịch thể nghiệm mà chị và những cộng sự thân thiết kịp có trong tay gồm 7 tác phẩm: Giấc mơ hạnh phúc, Nhật nguyệt thực, Tiếng vọng hành tinh, Con bệnh bí hiểm, Hàn Mặc Tử, Stereoman, Vườn thiên đàng. Trong đó, chị đạo diễn 2 vở.

Bên cạnh chị, những ngày đầu tiên có Kế Đoàn, Bích Ngọc của kịch câm; có Nguyệt Hằng - Duy Anh - Như Lai - Hồng Hạnh của kịch nói. Bảy người hì hụi vừa làm vừa rút ra kinh nghiệm. Cứ thử, cái này chưa được thì phá đi làm lại cái khác. Mò mẫm tìm đường, sự khởi đầu của đoàn kịch, của thể loại kịch thể nghiệm ở Việt Nam chứa đựng trong đó quá nhiều gian nan. Tập múa đương đại, tập hình thể, tập cả múa ba lê... không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của cả nhóm đã lặng lẽ rơi trên sàn tập.

Vị của thành công, của niềm vinh quang nào cũng mặn. Không có người đi thì mãi mãi không thành đường. "Trong lần tham dự Hội thảo về sân khấu Agvinhông, người Pháp nói kịch hình thể đã được họ đưa lên sân khấu từ những năm 1960. Khán giả nhiều người đã nhổ nước miếng, đã giơ nắm đấm phản đối loại hình này. Và đến ngày nay, kịch hình thể vẫn tồn tại, vẫn càng ngày càng phát triển. Tôi hy vọng một vài năm nữa, khán giả Việt sẽ tiếp nhận nó nhiều hơn" - Lan Hương nói giản dị.  

Huyền Nga

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]