Chiều tối ngày cuối tuần, tôi đến khoa Thận-Nội tiết, BV Nhi đồng 2 tìm gặp bác sĩ Phó khoa Hoàng Thị Diễm Thúy. Phòng trực đông vui, cu Bi, cu Hùng… vừa chạy thận xong đã về khoa quấn quít quanh các cô chú bác sĩ, điều dưỡng dường như thân thiện lắm. Bác sĩ Thúy cười, chỉ tay về phía bọn trẻ nói với tôi: “Đứa nào cũng điều trị hai, ba năm rồi nên chúng xem đây như là nhà của mình vậy”...

Yêu thương bệnh nhân như con ruột

“Chỉ nhìn thấy con đau bệnh hai, ba ngày thì người làm mẹ đã đau khổ rồi, huống hồ hằng ngày nhìn thấy các bệnh nhi đau đớn, xanh xao và không biết ra đi lúc nào thì người làm bác sĩ điều trị cho các em càng đau gấp bội phần”. Mở đầu câu chuyện, nước mắt chị đã bắt đầu rơi. Chị xin lỗi vì mình không thể kìm nén được sự xúc động nhưng thật sự chị đã khóc và khóc rất nhiều lần khi có ai hỏi về các bệnh nhi tại khoa của chị. Đó là những giọt nước mắt chân tình của một bác sĩ - một người mẹ hiền yêu thương bệnh nhân như con mình đúng nghĩa.

Chị không trực tiếp vào phòng mổ để ghép thận nhưng chăm sóc bệnh nhân trước và sau ghép. Mỗi bệnh nhi trước khi ghép 2-6 tháng, chị phải lo chăm sóc về dinh dưỡng thật tốt, bệnh lý ổn định và tâm lý luôn trong trạng thái thoải mái trước khi lên bàn mổ. Chị cho biết căng nhất là hai ngày trước ghép, phải kiểm tra xét nghiệm toàn diện, chạy thận… lúc đó mình phải ở bệnh viện 24/24 giờ, chăm sóc các bé từng ly từng tý còn hơn con ruột.

Chị kể, ca ghép thận đầu tiên vào năm 2004 làm chị lo lắng nhất. Ngồi ở phòng chờ, chị hồi hộp đếm thời gian, lo lắng bé sẽ chết, hoặc thận được ghép chưa hoạt động được liền thì phải chạy thận nhân tạo một thời gian. Nhưng ca đầu tiên cũng đã thành công…

Bác sĩ Thúy và bệnh nhân ghép thận đầu tiên vào năm 2004 - Nguyễn Nhật Trúc, 18 tuổi (Phú Yên). Ảnh: DUY TÍNH

Mỗi ca ghép thận là một kỷ niệm đối với chị. Nhưng ca ghép thận thứ ba là ca ghép để lại trong chị một suy nghĩ, một ấn tượng sâu sắc nhất. Một phụ nữ góa chồng, gia cảnh nghèo nhưng sẵn sàng hy sinh quả thận cho con gái. Chị hỏi bà mẹ ấy nếu lỡ có vấn đề gì khi bà cho thận thì tính làm sao, ai nuôi con bà. Người phụ nữ ấy trả lời ngắn gọn mình chỉ thương con và hơn hết chị tin vào tay nghề của bác sĩ!

Ước mơ về một trung tâm nuôi bệnh nhi

Chị nói mình đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhìn cách họ chăm sóc cho một trẻ bị bệnh thận mà thèm, bởi ở đó, khi trẻ vừa bị bệnh thận đã được đưa vào trung tâm chăm sóc toàn diện về dinh dưỡng, bệnh lý, tâm lý để chờ ngày ghép thận. Và ở đó trẻ ghép thận được bảo hiểm y tế chi trả 100%. Còn ở nước ta, một ca ghép thận từ 100 đến 150 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 50%. Sau khi ghép thận, trẻ phải uống thuốc chống thải ghép đến hết đời mà thuốc đó mỗi tháng trẻ phải tốn 3-4 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ so với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình Việt Nam.

Bài thơ tặng bác sĩ Thúy của một bệnh nhi sau khi được ghép thận. Ảnh: D.TÍNH

Chị tâm sự: “Cuộc đời tôi có hai ước nguyện: Về giáo dục y khoa, tôi mong ngành thận Việt Nam bằng thế giới. Mong ước này rất dễ thực hiện bởi chúng ta đã có đủ điều kiện, chỉ cần có sự quyết tâm và sách lược của các nhà lãnh đạo. Mong ước thứ hai là bệnh nhi được chăm sóc như trẻ em các nước phát triển và ghép thận là đích cuối cùng của các em. Muốn vậy, chúng ta cần có một trung tâm chăm sóc ngay từ khi các em được phát hiện suy thận. Đảm bảo cho các em được ghép thận, học tập, dạy nghề để sau này không thua thiệt các bạn đồng trang lứa và hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Sống hy sinh cho bệnh nhân và món quà quý giá nhất chị nhận được từ các bệnh nhi và thân nhân bệnh nhi không phải là những món quà đắt tiền mà là những vần thơ biết ơn ngây ngô nhưng thật trong sáng và đầy nghĩa tình: “Khi con vừa mới ghép/ Bác luôn ở cạnh con/ Những lúc con mệt mỏi/ Bác chăm sóc tận tình/ Đôi khi con tưởng chừng/ Bác sĩ là người mẹ/ Và luôn tìm mọi cách/ Cho con mình tốt hơn ...”.

Mẹ ơi đừng đi nữa!

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy hiện là giảng viên bộ môn Nhi, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng thời là phó khoa Thận-Nội tiết, BV Nhi đồng 2. Chồng chị cũng là bác sĩ đang công tác tại BV Phạm Ngọc Thạch.

Mỗi tuần hai vợ chồng phải xa nhau hai ngày vì mỗi người trực một ngày. Do đó, chị dành một ngày Chủ nhật để nấu cơm cho gia đình. Mỗi tối về nhà, sau khi chăm sóc con, chờ cho hai đứa con đi ngủ hết chị mới bắt đầu vào bàn làm việc, học tập, nghiên cứu. Khi chuẩn bị cho một ca ghép thận, chị đi sớm, về khuya, đến nỗi một lần đứa con gái năm tuổi lúc đó mới tập viết đã viết một lá thư để trên bàn nhắn nhủ: Mẹ ơi đừng đi nữa!

DUY TÍNH


Video đang được xem nhiều