Giáo viên mầm non làm việc nhiều thu nhập ít nên không ít người đã bỏ nghề, kiếm việc làm khác có thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, một thực tế kỳ diệu từ các giáo viên mầm non dạy trẻ khuyết tật là dù khó khăn, cực nhọc hơn nhiều lần nhưng họ vẫn bám trụ vì học sinh thân yêu. Đến độ, cái quyền lợi nhỏ nhoi, tưởng chừng nữ giáo viên nào cũng có thì các cô lại không thể. “Các cô cũng muốn được mặc áo dài trong ngày tôn vinh nghề nghiệp nhưng điều kiện thực tế không cho phép” - cô Phạm Thị Xuân Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt quận 10, TP.HCM bộc bạch.

Thương thôi không giúp được các cháu

Cô Lê Thanh Hiền từng có 14 năm gắn bó với trẻ tại trường mầm non phường 9, quận 10. Thế rồi cuộc đời rẽ ngang mà cô không tài nào lý giải được vì sao mình gắn bó và yêu thương trẻ khuyết tật đến thế.

Năm 2008, cô được lãnh đạo cử đi học bồi dưỡng thêm về trẻ khuyết tật mầm non, càng học càng tò mò vì tính phức tạp của tính cách các dạng tật của trẻ. Rồi cô cũng được tiếp cận, tìm hiểu và phát hiện ra các cháu khuyết tật cũng rất đáng yêu. “Các cháu muốn bày tỏ cái gì đó mà không diễn đạt được bằng lời thì bột phát bằng hành động, đôi khi trái chiều giữa suy nghĩ và hành động. Nếu dạy trẻ khuyết tật chỉ bằng tình thương, không có chuyên môn chắc chắn không thể nào giúp các cháu nhận thức tốt hơn để chăm sóc bản thân” - cô Hiền khẳng định.

Còn cô Nguyễn Thị Bích Nguyệt, 25 tuổi, gắn bó với Trường Chuyên biệt quận 10 cũng được ba năm. Nguyệt cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT ở Lâm Đồng em cũng ước mơ đi học báo chí hay luật sư nhưng khi tìm hiểu ngành của Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 3, thấy có ngành Giáo dục đặc biệt nên em đăng ký dự thi luôn. “Thật sự em không biết đây là ngành gì vì tò mò hai chữ đặc biệt, em đâu có biết đặc biệt là toàn trẻ khuyết tật, down, bại não, tự kỷ…” - Nguyệt chia sẻ.

Một học sinh thiểu năng trí tuệ bày tỏ tình cảm với cô Hiền. Ảnh: Q.VIỆT

Đến khi nộp hồ sơ dự thi, cán bộ nhận hồ sơ còn dò xét hỏi lại “Em tìm hiểu kỹ chưa mà đăng ký”, Nguyệt chỉ trả lời “Dạ rồi” mà thật ra chưa biết gì. Nguyệt thi và trúng tuyển đi học. Lúc đầu học cũng ái ngại. Đến kỳ thực tập, xuống các trường, mái ấm, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, tiếp xúc, trò chuyện và tự khi nào Nguyệt cảm thấy rất gần với các cháu và Nguyệt được tuyển về Trường Chuyên biệt quận 10 công tác từ năm 2009 đến nay. “Bằng những gì học được, tụi em cố gắng đưa các cháu được học hòa nhập và tệ nhất là giúp các cháu những kỹ năng cơ bản nhất để sống, chăm lo cho bản thân” - Nguyệt chia sẻ.

Ở lâu, tình thương, trách nhiệm quyện vào nhau

Trường Chuyên biệt quận 10 chia ba lớp học với từng cấp độ khác nhau. Cô Hiền dạy nhóm trẻ nhỏ, tật nặng, bại não, tự kỷ nên chăm sóc rất cực. Cô Kim Anh thì dạy các cháu “tiền học đường 1”, tức là các cháu sắp được học hòa nhập, chuẩn bị vào lớp 1, hoặc đưa các cháu sang học nghề, hoặc cháu nào lớn tuổi về sống ở nhà, khi đó các cháu đã đủ khả năng chăm sóc, tự bảo vệ bản thân được. Cô Bích Nguyệt thì dạy các cháu “tiền học đường 2” là nhóm cháu chuẩn bị sang “tiền học đường 1”, dạy cho các cháu hạn chế những hành vi tiêu cực, giúp các cháu nhận thức tốt hơn.

Cô Hiền kể: Vui nhất là khi nhìn các cháu khuyết tật “lớn lên về trí tuệ”. Năm 2008, trường tiếp nhận bé Gia Bảo mắc bệnh tăng động, kém tập trung, cháu không thể nào ngồi yên quá ba phút. Ba cháu vừa mới qua đời, mẹ cháu chỉ biết khóc và mang cháu gửi vào trường. Đến năm học 2009-2010, cháu Gia Bảo đã học hòa nhập lớp 1 tại Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ, quận 10. Giờ cháu đã lên lớp 3, rất ngoan, học giỏi và đặc biệt là cháu có năng khiếu về âm nhạc. Dịp 20-11, cháu về trường hát tặng các cô bài Ngày đầu tiên đi học, Bụi phấn, thầy cô nào cũng rơi nước mắt vì hạnh phúc.

Còn theo cô Nguyệt, các cháu chậm phát triển trí tuệ nhận thức kém, suy nghĩ và hành vi không “khớp” với nhau. Với các cháu, đôi khi thể hiện tình thương với cô là những pha giật tóc, cắn cô đau điếng. “Anh xem vết cắn của học trò đã ba năm rồi nè, để sẹo đến giờ luôn. Học trò như vậy, nếu như mình không có nghề, không hiểu các em thì khó trụ lại vì sợ. Như cháu Phương Khanh, mỗi lần giật tóc cô xong thì biết tỏ ra hối hận vì làm cô đau, càng nhìn càng thấy thương, đau đớn chốc lát rồi cũng qua, rồi cô trò tiếp tục vui chơi” - Nguyệt cười khoe.

Ngày 20-11, giáo viên khác được tôn vinh, thướt tha trong tà áo dài, học sinh quấn quýt quà và hoa. Ngày đó họ cũng được nghỉ còn các cô giáo trường chuyên biệt vẫn vui vẻ và bình lặng với công việc, với bó hoa, giỏ trái cây của phụ huynh mang tặng.

Chị Trần Thị Vân, mẹ bé Gia Bảo, nói trong nước mắt: “Nếu không có tập thể các cô giáo và ban giám hiệu Trường Chuyên biệt quận 10, cháu Gia Bảo không thể trở thành đứa trẻ đi học bình thường như ngày hôm nay được. Khi cháu biết đi đứng, chạy nhảy, cháu đã không ngồi yên, cứ chạy nhảy, liến thoắng cả ngày, đi khám mới biết cháu mắc bệnh tăng động. Khi tôi đưa cháu đến trường, một mình cô Hiền phải “vật lộn” với Gia Bảo. Hiện Gia Bảo đã học lớp 3 và học rất tốt. Tuy nhiên, cháu vẫn thích làm gì thì làm, chưa ngoan lắm, thầy cô cho biết càng lớn thì tính bột phát của Gia Bảo sẽ giảm dần.

Gia Bảo lúc nào cũng nhắc tới cô Hiền, luôn đòi mẹ mời cô Hiền đến nhà chơi và hát tặng cô Hiền nhiều bài hát. Cứ mỗi lần nghe Gia Bảo hát Ngày đầu tiên đi học là cô Hiền khóc. Sau đó cháu còn trêu “cô giáo như mẹ Hiền”.

___________________________________________

2.216 là số trẻ khuyết tật từ mầm non đến THPT được đến trường tại TP.HCM. TP cũng có hơn 300 giáo viên đã qua đào tạo đang giảng dạy tại các trường chuyên biệt công lập.

Hiện TP có 24 trường chuyên biệt (công lập lẫn tư thục) và một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và khuyết tật. Nhưng tại các quận, huyện 4, 7, 9 Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, phụ huynh có con khuyết tật vẫn ngậm ngùi nhìn con ở nhà vì bảy quận, huyện này vẫn chưa có trường chuyên biệt công lập.

Bà NGUYỄN THỊ VÂN ANH,
phụ trách giáo dục chuyên biệt (Sở GD&ĐT TP.HCM)

QUỐC VIỆT


Video đang được xem nhiều