Phát hiện bất ngờ về lý do có người thường bị nhiễm trùng đường tiểu

Nồng độ axit trong nước tiểu của một người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu, tạo điều kiện cho bệnh nhiễm trùng đường tiểu phát triển.

15.5538
Các nhà khoa học đã phát hiện ra lý do tại sao một số người dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) gây viêm bàng quang. Đó là do nồng độ axit trong nước tiểu của một người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn trong đường tiết niệu, tạo điều kiện cho bệnh phát triển.

Chế độ ăn uống cũng có thể đóng một vai trò gây ra tình trạng này. Các phân tử chất thải nhỏ từ thức ăn được chuyển đổi bởi các vi khuẩn trong ruột trước khi bài tiết qua nước tiểu.

Các nghiên cứu, thực hiện tại Đại học Y Washington ở St. Louis, nhận thấy rằng có thể có những tác động để điều trị - một trong các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất trên toàn thế giới.


Chế độ ăn uống cũng có thể đóng một vai trò gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiểu (UTIs) thường được gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Escherichia coli (E. coli). Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, cần đi tiểu thường xuyên và đau ở vùng bụng dưới. Từ lâu nay, các bác sĩ thường dùng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh này. Nhưng khả năng kháng thuốc của các vi khuẩn có thể xảy ra, bởi vậy, các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm các chiến lược điều trị thay thế.

Theo tác giả Jeffrey Henderson, trợ lý giáo sư y khoa cho biết thì: "Chúng ta thường không biết lý do tại sao một số người dường như dễ bị tái phát bệnh nhiễm trùng tiểu. Trong một thời gian dài, việc sử dụng kháng sinh với chi phí thấp có thể xử lý việc này. Nhưng trong vòng 10-15 năm qua, chúng ta đã thấy một bước nhảy lớn trong sự nhiễm khuẩn do vi khuẩn có khả năng kháng thuốc".

Quan tâm tới vấn đề này, Giáo sư Henderson và nhóm nghiên cứu của ông đã quan tâm đến việc nghiên cứu cách tự nhiên mà cơ thể có thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Họ nuôi E. coli trong mẫu nước tiểu của người tình nguyện khỏe mạnh và ghi nhận sự khác biệt lớn trong việc nước tiểu sử dụng protein để hạn chế vi khuẩn phát triển ở mỗi người.

Sau đó, họ chia các mẫu nước tiểu thành hai nhóm dựa trên việc họ đã đã tiếp tục hoặc ngừng sự tăng trưởng của vi khuẩn.

Các mẫu đã ngừng sự tăng trưởng của vi khuẩn này sau đó được phân tích chi tiết hơn. Kết quả cho thấy protein chủ chốt mà cơ thể tạo ra một cách tự nhiên hoạt động nhiều hơn để đáp ứng với nhiễm trùng. Ngược lại, các mẫu mà vi khuẩn phát triển cho thấy các protein này ít hoạt động hơn.

Các protein, gọi là siderocalin, đã cản trở vi khuẩn hấp thu chất sắt - một chất cần thiết để chúng phát triển.

Bước tiếp theo là xác định được siderocalin hiệu quả hơn trong cơ thể của những người nào.

"Tuổi tác và giới tính không phải là tiêu chí đầu tiên. Trong tất cả những yếu tố mà chúng tôi đo được thì chỉ có một sự khác nhau đáng kể giữa hai nhóm là pH - đó là tính axit trong nước tiểu", Robin Shields-Cutler, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Tính axit trong nước tiểu có thể gây ra bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn cho rằng nước tiểu có tính axit là một điều tốt vì nó hạn chế sự tăng trưởng của vi khuẩn. Nhưng nghiên cứu này cho thấy nước tiểu có tính axit thấp và gần với độ pH trung tính của nước tinh khiết hơn thì hoạt động của protein siderocalin sẽ cao hơn. Điều này có thể hạn chế vi khuẩn phát triển tốt hơn so với các mẫu nước tiểu có tính axit cao.

Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu cũng đã cho thấy họ có thể khuyến khích hoặc không khuyến khích sự tăng trưởng của vi khuẩn trong nước tiểu chỉ đơn giản bằng cách điều chỉnh pH - một phát hiện có thể rất có ý nghĩa đối với những bệnh nhân được điều trị nhiễm trùng tiểu.

Giáo sư Henderson, người thường xuyên điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu cho biết bác sĩ có thể can thiệp vào độ pH trong nước tiểu nhưng ông cũng nói thêm, độ pH của nước tiểu không phải là toàn bộ câu chuyện ở đây.

"Nước tiểu là nơi chứa đựng rất nhiều chất thải của cơ thể dưới dạng các phân tử nhỏ. Nó có thể thay đổi bởi chế độ ăn uống, tính di truyền và nhiều yếu tố khác. Các phân tử chất thải không được sản xuất bởi các tế bào của con người, nhưng bởi các vi khuẩn đường ruột của một người khi chúng phá vỡ thức ăn", Giáo sư Henderson cho biết.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự hiện diện của các chất chuyển hóa nhỏ (sản phẩm của quá trình chuyển hóa) gọi là chất thơm cũng đóng vai trò gây ra nhiễm trùng tiểu. Chất này có thể thay đổi tùy theo chế độ ăn uống của một người. 
Các mẫu nước tiểu chứa ít vi khuẩn thường có nhiều hợp chất thơm hơn, và mẫu nước tiểu nào chứa nhiều vi khuẩn có ít chất này.

Theo các lý thuyết hiện nay, một số trong những chất thơm là chất kết dính sắt tốt, giúp lấy đi sắt của các vi khuẩn khiến chúng không phát triển.

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Journal of Biological Chemistry.

(Nguồn: DailyMail)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]