Phòng bệnh cho trẻ khi giao mùa

Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh.

0
BS. Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi Đồng 2 cho biết, khi thời tiết thay đổi, nó ảnh hưởng trực tiếp tới da và đường hô hấp. Thường da của chúng ta sẽ khô ráp hơn, có khi có cảm giác bong tróc, hơi rát và có khi khô da, bong vẩy .

Đối với  trẻ nhỏ, nhất là ở trẻ có cơ địa dị ứng, cha hay mẹ có tiền căn viêm mũi dị ứng, nồi mề đay hay suyễn, trẻ dễ bị khô da và nếu không kịp thời phòng ngừa, thì khô da dễ dẫn đến chàm da.
 

 Theo BS Thanh, khi trời se lạnh hơn, không khí vào đường thở của bé không được sưởi ấm (do đường hô hấp của trẻ ngắn hơn và không có lông sưởi như ở người lớn), trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp , dễ bị nhiễm virus hơn, biểu hiện bằng hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè,  nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Những  trẻ có tiền căn dị ứng , khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi , sẽ dễ làm khởi phát cơn suyễn.
 
Những triệu chứng báo hiệu cơ thể có thể bị tác động của thời tiết như: hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt sống; Ho khan hoặc ho  khò khè.; Cảm giác ớn lạnh, rùng mình, ở trẻ nhỏ da lạnh hoặc nổi bông , có thể là triệu chứng trẻ sắp sốt cao;  Buồn nôn hay tiêu lỏng ,…
 
Cách phòng tránh

Theo BS. Nguyễn Thị Thanh, thời điểm giao mùa thường chuyển biến từ nóng sang lạnh nên trẻ dễ bị bệnh, nhất là các bệnh như viêm họng, viêm tai... Vì vậy, để phòng tránh bệnh, các bậc phụ huynh cần tăng cường ủ ấm cơ thể trẻ. Khi đi ra ngoài cần mặc quần áo dài tay, đội mũ nón... Ngoài ra, nếu thời tiết quá lạnh thì phải trang bị áo ấm, khăn quàng cổ và hạn chế đưa trẻ ra ngoài khi không cần thiết.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể tăng sức đề kháng bằng nhiều biện pháp như: Cho trẻ  uống thuốc bổ, vitamin cần thiết ngăn ngừa cảm cúm, tiêm phòng bệnh cúm cho trẻ, cung cấp nhiều chất kháng thể qua các loại nước ép trái cây như cam, bưởi, dưa hấu..., nấu cho trẻ ăn những món tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh như: các món cá, rau trái... Khi thấy những dấu hiệu bất thường như trẻ sốt, ho, sổ mũi nhiều nên đưa ngay đến phòng mạch bác sĩ để kịp thời điều trị.
                                                                                                                                     
Đặc biệt là các bậc phụ huynh lưu ý không nên tự chữa bệnh cho con. Khi thấy con ho, sốt, không ít người đã tự ra hiệu thuốc, mua kháng sinh về “điều trị”. Mỗi thể viêm có phác đồ điều trị riêng, có loại bệnh dùng kháng sinh này, loại dùng kháng sinh khác, cũng có loại bệnh không nên dùng kháng sinh. Thực tế, có nhiều trường hợp trẻ vào viện trong tình trạng bệnh nặng do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ khi dùng thuốc bừa bãi. Vì thế, khi có những triệu chứng kể trên, cách tốt nhất là cho trẻ đến cơ sở y tế. Phát hiện sớm, điều trị đúng cách, trẻ sẽ mau lành bệnh và phục hồi nhanh chóng.

BS.Nguyễn Thị Thanh lưu ý, chuẩn bị bước vào năm học mới, thời tiết thất thường tháng 9, tháng 10 rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, một vài ngày trước khi nhập học không nên cho trẻ đi chơi xa hay thức khuya, nên tập giờ giấc như đi học.  
 
 
Một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi
 
Đau họng:
 
Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, thường xuyên và dễ gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, khi mắc bệnh trẻ thường bị sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí bị nôn.

Cảm cúm:

Bệnh do virus gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trẻ nhỏ rất dễ bị lây bệnh này khi thay đổi thời tiết, nóng chuyển sang lạnh. Các triệu chứng thường thấy ở trẻ là nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu... nếu kèm theo sốt cao thì phải đưa đi khám ngay vì dễ bị biến chứng gây nguy hiểm đường hô hấp.
 
Viêm tắc thanh quản và khí quản:

Nếu trẻ thường ho nhiều về ban đêm, ho dữ dội thì rất có thể đã mắc bệnh viêm tắc thanh quản và khí quản. Bệnh này thường do viêm nhiễm vi-rút và dễ mắc nhiều vào thời điểm giao mùa. Trường hợp trẻ thở khò khè phát ra tiếng kêu nên đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp. 
 
Viêm tai:

Khi bị sốt trên 39 độ C, trẻ thường bị kèm theo các bệnh về tai. Sự cố thường gặp khi viêm nhiễm tai ở trẻ nhỏ là vòi nhĩ (nối liền tai giữa với mặt sau cuống họng, có nhiệm vụ để thoát dịch) bị tắc nghẽn, dịch ứ đọng tăng áp lực lên màng nhĩ, trẻ bắt đầu cảm thấy đau. Các vòi này cũng có thể bị tổn thương, bị vỡ khi trẻ nằm bú bình và có một lượng nhỏ sữa chảy trở lại vào tai, phát sinh hiện tượng viêm nhiễm. Bởi vậy, khi trẻ bú người ta thường thấy chúng khóc là do đau tai. Ngoài ra chứng viêm nhiễm này còn làm cho trẻ gặp khó khăn khi ngủ. Trẻ đau tai khóc nhiều kèm theo sốt, cảm lạnh, đau đầu, sưng cổ nên đi khám ngay.

Theo VnMedia

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]