Bố tôi bị sỏi thận, điều trị đỡ nhưng hay bị tái phát. Xin bác sĩ cho biết cách phòng và chữa bệnh sỏi thận thế nào để không bị tái phát? – (Nguyễn Thị Vui – Phú Thọ)
Do rối loạn chuyển hoá trong cơ thể, sỏi thận hình thành khi lượng nước tiểu quá ít, hoặc nồng độ các chất khoáng tăng cao trong nước tiểu. Sỏi thận có nhiều kích cỡ, từ nhỏ như hạt cát tới to bằng quả trứng. Có 4 loại sỏi thận là: sỏi canxi, sỏi phosphat ammonium magnesium, sỏi acid uric và sỏi cystine.
Trong thời gian hình thành sỏi không gây ra triệu chứng gì nên bệnh nhân không biết. Cho đến khi sỏi gây đau hay đi tiểu ra sỏi mới biết. Các triệu chứng sỏi thận là: cơn đau, đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bìu, kèm nôn, trướng bụng; tiểu ra máu; sốt 38 – 39oC; thận to đau, cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu, nước tiểu đục.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Điều trị: loại trừ sỏi thận bằng nhiều cách như uống nhiều nước, trên 2 lít một ngày có thể làm cho sỏi tự ra khi đi tiểu; tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng siêu âm; đưa một máy tán sỏi qua da vào thận tán viên sỏi vỡ ra nhờ sóng siêu âm, sau đó hút vụn sỏi ra ngoài qua ống; phẫu thuật lấy sỏi.
Để phòng sỏi tái phát bằng cách: hạn chế các thức ăn chứa nhiều canxi, oxalat như sữa, pho mát, nước chè đặc…, ăn ít đạm động vật nếu bị sỏi acid uric. Uống nhiều nước (khoảng 2 – 3 lít/ngày).
BACSI.com (Theo Sức khỏe & Đời sống)