Phòng tránh các bệnh trong thời tiết lạnh (Phần I)

Trong những đợt thời tiết lạnh, số người bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng mạnh, và sẽ còn tăng nhiều trong những ngày sau đó kể cả khi thời tiết ấm lên.

15.5808
Đào Thơm - BIBI.VN

Các bệnh thường gặp là các bệnh lý liên quan đến hệ tim mạch, trong đó hàng đầu là tai biến mạch máu não ở người lớn tuổi và nhất là ở người bị tăng huyết áp. Khi bị lạnh quá, hoặc lạnh trong thời gian lâu, có thể bị hạ thân nhiệt dẫn tới rối loạn ý thức, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Viêm đường hô hấp trên như: mũi, họng, xoang, viêm tai; viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn phế quản, viêm phổi là những bệnh lý rất thường gặp khi thời tiết lạnh.
Bình thường nhiệt độ cơ thể người được duy trì hằng định khoảng 37oC với sự cân bằng giữa quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt qua môi trường. Nhiệt độ môi trường lạnh là một stress đối với cơ thể người.
Cơ thể của chúng ta khi tiếp xúc với môi trường lạnh đáp ứng bằng cách tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ngoài ra, khi tiếp xúc với lạnh, cơ thể phản ứng co các mạch máu ở ngoại vi như ở dưới Da nhằm làm giảm cung cấp máu tới da, giúp cơ thể giữ nhiệt.
Ở người bình thường thì mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Những người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não... Khi Da hoặc một số phần của cơ thể tiếp xúc lâu với nhiệt độ dưới 0oC có thể gây “bỏng lạnh” do sự hóa đông tế bào, dẫn đến huyết khối các vi mạch máu, thiếu máu, hoại tử tổ chức.

Khi hít thở, không khí được niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi-họng sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần trước khi đi vào khí quản. Trên bề mặt niêm mạc khí phế quản có những tế bào hình đài bài tiết chất dịch nhầy và lớp tế bào biểu mô với nhiều lông chuyển nhỏ (nhung mao) trên bề mặt. Lớp dịch nhầy kết dính các phân tử bụi, vi khuẩn, virut có trong không khí hít vào.
Trong lớp niêm dịch này có một số yếu tố bảo vệ như kháng thể làm ức chế hoạt động của các virut, vi khuẩn. Các nhung mao trên bề mặt phế quản chuyển động đẩy lớp niêm dịch theo hướng từ các phế quản nhỏ lên các phế quản lớn và từ đó được ho khạc ra hoặc ta tự động nuốt xuống đường tiêu hóa trong khi ngủ. Ở dưới lớp niêm mạc phế quản và trong vách các phế nang còn có các đại thực bào, bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virut, vi khuẩn.

Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc đường hô hấp trên không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào đường hô hấp có nhiệt độ thấp gây nên tình trạng co các mạch máu nuôi lớp niêm mạc đường hô hấp. Yếu tố lạnh và sự giảm tưới máu này làm cho các lông chuyển trên bề mặt niêm mạc khí phế quản hoạt động kém, thiếu các tế bào bảo vệ có mặt ở đường hô hấp. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm khuẩn có thể lan lên gây viêm tai giữa, lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị viêm phổi luôn mà không có biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.

Vì hệ hô hấp từ Mũi Họng đến phế quản phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện tích rộng tới gần 100 m2 nên đường hô hấp là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất với không khí lạnh. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do lạnh.
Như vậy thời tiết lạnh kéo dài là một nguy cơ lớn cho sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Để phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, mọi người cần chú ý một số điểm sau:
Tránh bị nhiễm lạnh: Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn.

Khi trời lạnh không nên cho các cháu nhỏ ra ngoài trời. Nếu buộc phải cho cháu ra ngoài khi trời lạnh cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC phải cho các cháu học sinh tiểu học nghỉ học.

Khi đi xe và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu, mặt và cằm để tránh bị lạnh. Trong nhà ở, nơi công sở, trường học cần chú ý đóng kín các cửa, các khe, tránh gió lùa.
Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than, bếp than ủ ở phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO nguy hiểm tính mạng.

Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ phòng ngủ quá cao, nhất là đối với gia đình có trẻ em đi học, người lớn đi làm vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên hoặc đột quỵ do tai biến mạch máu não. Thông thường nên để nhiệt độ khoảng từ 20 - 25oC.


(Sức khỏe và đời sống)

Theo Bibi

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]