Sỏi thận tiết niệu là bệnh lý rất thường gặp, là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Chế độ ăn uống, sinh hoạt góp phần gây ra bệnh lý sỏi thận và là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận. Vì vậy, việc phòng tránh để hạn chế mắc bệnh là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sỏi thận. Trong thực tế lâm sàng thường phát hiện muộn nên nhiều biến chứng.
Nguyên nhân tạo ra sỏi có nhiều nhưng trong đó đa số là do uống nước không đủ, nhất là với những người lao động nặng nhọc, hoặc mải làm việc cả ngày không uống nước, lúc uống lại uống quá nhiều mà không uống đều trong ngày dẫn đến tình trạng sỏi thận do lắng đọng hoặc do dị dạng đường tiểu khiến nước tiểu không thoát ra hết, lâu ngày tích trữ, đọng lại và tạo sỏi.
Nhiều bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ hoặc cũng có thể do chấn thương nặng, phải nằm một chỗ (như chấn thương đùi chẳng hạn), người bệnh lại uống nhiều sữa, ít nước. Trường hợp này cũng dễ tạo sỏi thận.
Cần uống đủ nước để phòng sỏi thận.
Nguyên nhân tiếp theo là chế độ ăn uống không hợp lý: Ăn thiên lệch một loại thức ăn, cụ thể là ăn quá nhiều thịt hoặc ngược lại, ăn quá nhiều rau cũng là những nguyên nhân gây nên sỏi thận.
Ngoài ra, nhiễm khuẩn bộ phận sinh dục gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi. Nguyên nhân này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn.
Khi không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi.
Dấu hiệu nhận biết
Thông thường khi mắc, bệnh nhân có cơn đau đột ngột, rất dữ dội và chỉ ở một bên. Ðau bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan sang phía bụng, nách và các cơ quan sinh dục; có lúc đau giảm đi nhưng sau đó lại xuất hiện cơn đau khác dữ dội hơn.
Không có tư thế nào làm đỡ đau (bệnh nhân thường ở trong tư thế co quắp). Khi nước tiểu bị tắc nhiều hay ít sẽ tạo ra các cơn đau khác nhau.
Nhiều khi bệnh nhân cảm thấy đau, cựa mình một lúc lại hết đau là do viên sỏi chưa quá lớn, lúc đầu gây bít tắc nước tiểu, nhưng viên sỏi lại di chuyển vị trí khiến nước tiểu rỉ ra được một chút làm cơn đau giảm bớt. Buồn tiểu nhưng nhiều khi lại không cảm thấy dễ chịu sau khi tiểu.
Đau một bên là do bị sỏi ở một bên thận, và nếu bị sỏi cả hai thận thì người bệnh sẽ đau cùng lúc cả hai bên hố thắt lưng. Đái ra máu do sỏi va vào thành niệu quản, gây xước và chảy máu. Đái buốt, đái rắt.
Các cơn đau ở lưng khi bị sỏi thận hầu như khó phân biệt với các cơn đau của chứng bệnh khác. Vì thế khi bị đau lưng nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán, nếu nghi bị sỏi thận thì cần được siêu âm, chụp X-quang để có thể điều trị kịp thời.
Nên làm gì khi đang lên cơn đau?
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sỏi thận cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nằm nghỉ, đắp khăn ướt và nóng lên vùng thắt lưng. Không uống nước, vì nước tích tụ ở vùng trên của sỏi, làm tăng thêm áp lực cho thận và càng đau thêm.
Tại cơ sở y tế, tùy từng trường hợp các bác sĩ có chỉ định cụ thể như dùng thuốc chống viêm, chống co thắt và chống đau (dạng tiêm, uống hay đặt hậu môn).
Trong đa số trường hợp, sỏi nhỏ (đường kính dưới 5mm) có thể được loại trừ tự nhiên theo nước tiểu cùng với liệu pháp chống viêm. Nếu sỏi quá to thì có nhiều phương pháp tán sỏi khác, nhưng cần được thực hiện tại bệnh viện tùy theo mỗi trường hợp hoặc mổ lấy sỏi.
Phòng bệnh sỏi thận
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sỏi. Nên ăn đủ canxi, hạn chế muối, thịt, uống đủ nước (nhiều hơn 2 lít/ngày). Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng có thể giúp giảm nguy cơ tái phát sỏi.
Vì vậy, để phòng tránh sỏi thận phải uống thật nhiều nước. Nước được cung cấp đủ sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt hơn.
Hơn thế nữa nó giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật. Nhu cầu uống nước của mỗi người tăng lên hay giảm đi tùy theo tính chất công việc và đặc biệt là theo thời tiết.
Không nên uống các loại nước nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp. Với một số trường hợp đặc biệt cần thận trọng khi uống nước như người bị suy tim, suy thận… chú ý phải hỏi kĩ bác sĩ điều trị để có một chế độ nước phù hợp.
Có chế độ ăn hợp lý, ăn uống cân đối 4 nhóm thức ăn (bột, đường, mỡ, vitamin), không nên thiên lệch một loại thực phẩm, rau quả nào. Chế độ ăn quá nhiều thực phẩm chứa canxi sẽ khiến cơ thể dư thừa canxi, lượng canxi dư thừa sẽ tích tụ hình thành sỏi.
Thói quen ăn mặn, ăn nhiều chất đạm, thịt cũng là một nguy cơ gây sỏi thận. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất canxi và cystine, gây ra sỏi.
Ngoài ra chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi. Ăn quá nhiều chất dầu mỡ cũng sẽ làm tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi.
Do đó, để phòng ngừa sỏi thận bạn cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; hạn chế ăn mặn, ăn quá nhiều dầu mỡ và thực phẩm chứa nhiều canxi; trong thực đơn hàng ngày, nên bổ sung nhiều rau tươi vì chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hóa nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng sự bài tiết chất citrat ngăn chặn tạo sỏi.
Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều oxalat như: trà đặc, cà phê, sô-cô-la, bột cám, ngũ cốc, rau muống... Khi bị u xơ tiền liệt tuyến phải xử lý ngay. Nếu bị dị dạng đường tiểu phải được phẫu thuật chỉnh hình. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ (nhất là với phụ nữ sau đẻ), phải dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín.