Phương cách chữa bệnh viêm gân

Gần đây hay bị đau ở gót chân khiến việc đi lại gặp khó khăn. Tôi đi khám bệnh được chẩn đoán là viêm gân quanh mắt cá chân. Tôi đã uống thuốc, bệnh có đỡ nhưng chưa khỏi hẳn.

15.5949


Tôi 45 tuổi, thời gian gần đây hay bị đau ở gót chân khiến việc đi lại gặp khó khăn. Tôi đi khám bệnh được bác sĩ chẩn đoán là viêm gân quanh mắt cá chân. Tôi đã uống thuốc theo đơn, bệnh có đỡ nhưng chưa khỏi hẳn. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ hơn về bệnh cũng như các loại thuốc điều trị? Tôi xin cảm ơn.

Nguyễn Thúy Hà (Hà Nội)

Viêm gân là một bệnh nằm trong nhóm bệnh phần mềm quanh khớp, đây là nhóm bệnh rất thường gặp. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng thường gây đau dẫn đến hạn chế các hoạt động sinh hoạt, lao động thường ngày của bệnh nhân. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, song gặp chủ yếu ở nữ, tuổi trung niên hoặc cao tuổi.

Để điều trị bệnh, trước hết, cần thử biện pháp không dùng thuốc, khi biện pháp này không hiệu quả thì mới dùng thuốc hoặc cần sử dụng cả hai biện pháp phối hợp cùng một lúc.

Các biện pháp không dùng thuốc

Trước hết, cần giảm hoặc ngừng vận động tại vùng gân tổn thương tới khi hết đau. Đây là điều kiện quan trọng bởi nếu không thì bệnh sẽ tồn tại dai dẳng và dù có khỏi cũng rất dễ tái phát; cố định tạm thời vùng gân tổn thương bằng băng chun, thậm chí dùng nẹp hoặc máng bột, dụng cụ chỉnh hình...

Vật lý trị liệu từ đơn giản như chườm lạnh tại chỗ (thường dùng trong giai đoạn cấp tính có sưng, nóng, đỏ) đến các biện pháp đòi hỏi có phương tiện như sóng siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại. Luyện tập phục hồi chức năng có thể được áp dụng như tập kéo giãn gân chủ động, tăng dần cường độ nhằm phục hồi chức năng cho gân tổn thương sau giai đoạn viêm cấp tính. Thường áp dụng trong bệnh lý gân Achille, gân bánh chè nhưng không áp dụng đại trà cho mọi bệnh nhân vì có thể tăng đau.

Các biện pháp dùng thuốc

Các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol uống hoặc các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như diclofenac uống hay bôi tại chỗ, meloxicam uống... Tuyệt đối không dùng thuốc đường toàn thân chứa steroid uống hay tiêm bắp như prednisolon, dexamethason, K-cort... vì gây nhiều tác dụng phụ có hại. Hiện nay, có một số người lạm dụng các thuốc trên dẫn đến các biến chứng như hội chứng Cushing do thuốc, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, teo cơ, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn... hoặc suy thượng thận cấp nếu dừng thuốc đột ngột (có thể gây tử vong nhanh chóng).

Tiêm corticoid tại chỗ là phương pháp điều trị thông dụng trong bệnh lý phần mềm quanh khớp. Hiệu quả giảm đau tốt, tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chỉ dùng thuốc khi có bác sĩ chuyên khoa khớp chỉ định, tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng liệu trình với điều kiện vô khuẩn tuyệt đối. Hiện nay, có tình trạng lạm dụng thuốc dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc.

Các chế phẩm corticoid tiêm khớp thường dùng là dạng dịch treo như hydrocortison acetat, không được tiêm quá 3 lần cho mỗi đợt điều trị, mỗi mũi cách nhau 3 - 4 ngày; depo medrol (methylprednisolon acetat) tác dụng kéo dài hơn, mỗi lần tùy vị trí tiêm, mỗi mũi cách nhau 7 - 10 ngày, không quá 2 lần trong một đợt điều trị.

Với cả hai thuốc, mỗi đợt điều trị cách nhau 3 - 6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt. Ngoài ra, có thể dùng diprospan (betamethasone dipropioate) là loại tác dụng kéo dài hơn cả depo medrol. Tuyệt đối không được tiêm corticoid tại chỗ khi có nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc gần vị trí tiêm.

Thận trọng khi dùng thuốc ở những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng, đang dùng thuốc chống đông hay có rối loạn đông máu. Các khó chịu hay biến chứng tại chỗ có thể gặp như đau tăng lên (thường trong 24 giờ đầu), nhiễm khuẩn (nếu tiêm trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn), đứt gân, rối loạn sắc tố hay teo da - cơ tại chỗ.

AloBacsi.vn
Theo ThS. Bùi Hải - Sức khỏe và Đời sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]