Phương pháp đột phá liên kết gel và mô sinh học

Các nhà nghiên cứu Pháp đã phát hiện một phương pháp hiệu quả và dễ sử dụng để liên kết gel và mô sinh học.

15.5939



Thành công mà các nhà khoa học đã đạt được, đó là tạo độ bám rất chắc giữa 2 gel bằng cách phủ lên bề mặt của chúng dung dịch hạt nano silica. Đến nay, chưa có phương pháp nào hoàn toàn hiệu quả để liên kết 2 gel hoặc 2 mô sinh học. Nghiên cứu mở đường cho nhiều ứng dụng trong y tế và công nghiệp.

Gel là vật liệu chủ yếu được tạo thành từ một chất lỏng như nước, phân tán trong mạng lưới phân tử mang lại cho nó trạng thái rắn. Các loại gel trong đời sống thường nhật gồm có gelatin dùng trong các món tráng miệng, thạch lý chua, kính áp tròng hoặc thành phần thấm hút của bỉm trẻ em. Các mô sinh học như da, cơ và các cơ quan có đặc điểm giống với gel, nhưng đến nay, việc gắn kết các vật liệu mềm và chứa đấy chất lỏng trơn trượt bằng các chất kết dính thường gồm có các polime, là nhiệm vụ dường như không thể.

Vì thế, các nhà khoa học Pháp đã đưa ra ý tưởng liên kết các gel bằng cách phủ dung dịch hạt nano silica lên trên bề mặt của chúng. Dung dịch hạt nano silica, một hợp chất có sẵn và được sử dụng phổ biến làm chất phụ gia thực phẩm trong ngành công nghiệp, giúp liên kết tất cả các loại gel thậm chí khi chúng không có độ sệt hoặc đặc tính cơ học giống nhau.

Nguyên tắc liên kết 2 gel như sau: các hạt nano silica của dung dịch liên kết với mạng lưới phân tử gel, hiện tượng này được gọi là hấp phụ và đồng thời mạng lưới phân tử liên kết các hạt nano với nhau. Theo đó, các hạt nano hình thành vô số liên kết giữa 2 gel. Quá trình kết dính chỉ mất vài giây. Phương pháp này không cần bổ sung polime và không liên quan đến bất cứ phản ứng hóa học nào.

Cuối cùng, để minh họa tiềm năng của phát hiện mới trong lĩnh vực mô sinh học, các nhà nghiên cứu đã liên kết thành công 2 mẩu gan của bê được cắt rời bằng dung dịch hạt nano silica. Phát hiện này mở ra những ứng dụng và lĩnh vực nghiên cứu mới, đặc biệt trong ngành y tế và thú y cũng như trong phẫu thuật và y học tái tạo. Ví dụ, có thể sử dụng phương pháp này để liên kết da hoặc các bộ phận bị rạch hoặc tổn thương sâu. Hơn nữa, phương pháp này có thể thu hút sự quan tâm của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp mỹ phẩm cũng như các nhà sản xuất bộ phận giả và thiết bị y tế (băng, miếng dán, hydrogel…).

Theo NASATI

___________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến

email:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]