Ravello, trong giấc mơ...

Tôi đã nhìn thấy biển xanh thăm thẳm từ trên núi có những rặng thông Ý như thế qua một giấc mơ tuổi thơ, sau khi xem một bộ phim về thần thoại Hy Lạp.

15.593

Ravello, trong giấc mơ...


Hình ảnh mê hồn ấy và những ấn tượng thơ ấu vẫn còn lưu giữ cho đến một ngày được đến Ravello, đứng trước Địa Trung Hải, và choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên thần của một vùng bờ biển Amalfi.

Khi những cơn gió thổi tung mái tóc và tai nghe tiếng rì rào của biển dưới chân, mắt nhìn tới nơi xa thẳm của một vùng Địa Trung Hải trong một buổi chiều không thể đẹp hơn được nữa, mà trời và biển gần như cùng một màu, sẽ không ai cảm thấy cô đơn và nhỏ bé như cảm giác thường gặp mỗi lần đứng trước biển. Ravello không làm cho bất cứ ai cảm thấy mình có một trái tim vỡ, bởi trước biển, trời, mây, gió lộng và cảnh vật đẹp mê hồn đến thế, người ta chỉ có thể thấy yêu cuộc đời hơn rất nhiều. Tôi đã đứng lặng đi không biết bao lâu trước khung cảnh ấy, khi từ Villa Rufolo có thế kỉ 13, nhìn xuống cả một vùng biển xanh ngắt phía dưới và trời lồng lộng phía trên.

Nhắm mắt lại và nghe gió vi vu, hít căng lồng ngực bầu không khí mát lạnh nhất của cuộc sống và cảm thấy những không còn lời nào để mô tả cảnh vật nơi đây, khi nó đã từng in đậm trong một giấc mơ. Giấc mơ tuổi thơ ấy đã trở thành một nỗi ám ảnh lớn lao đến mức phải cứ ấp ủ mãi ý định tìm đến một nơi như thế, và rồi sững sờ và xúc động đến mức câm lặng khi biết được nơi ấy có thật, qua một tấm bưu thiếp có đề tên Ravello. Phải, giấc mơ thành sự thật, một khi người biết ước mơ luôn muốn biến những giấc mơ thành hiện thực.
 
Thành phố nhỏ bé nằm chơi vơi trên rặng núi lọt sâu trong một vịnh biển với con đường ven bờ Amalfi huyền thoại và góc nhìn từ Villa Rufolo ấy có một sức quyến rũ không thể nào cưỡng nổi với những ai đã đến đây, dù con đường đi lên Ravello không dễ dàng một chút nào. Với tôi, Ravello còn đẹp hơn những gì tôi đã thấy trong mơ. Con đường SS163 dài hơn 50 cây số từ Salerno đến Sorrento đã chênh vênh một bên vách đá, một bên biển gầm gào mát rượi. Con đường từ đó lên núi, nơi có Ravello, còn khó khăn hơn, với những vách núi dựng đứng, những đoạn đường chỉ vừa một làn xe qua, những khúc cua gấp chỉ có lái xe thiện chiến mới xử lí nổi.

Nhưng khi xe dừng lại bên một rặng cây lấy bóng mát bên vách núi, bỏ xe đó để bắt đầu một cuộc đi bộ trên những con đường nhỏ và khúc khuỷu của thành phố mà những quảng trường trở thành xa xỉ và những ngôi biệt thự nhỏ cổ kính đầy dây leo rải rác khắp nơi, là thấy một thế giới khác với những gì ta đã thấy dọc con đường Amalfi, rực rỡ màu vàng của chanh, màu đỏ tím của những cây hoa giấy, màu xanh của trời và biển. Chanh Ravello có vẻ vàng hơn, hoa giấy hình như tươi thắm hơn và trời xanh sâu thăm hơn. Những người Ravello hiếu khách hình như cũng nói một thứ tiếng Ý đậm sắc Napoli hơn. Những khu vườn có lẽ cũng rậm rạp và hoa nở tươi thắm hơn.
 
Nhưng đẹp hơn và yêu đời hơn tất thảy là cảm giác được sống để ngắm biển từ Villa Rufolo, Villa Cimbrone-những viên ngọc của Ravello, từ nhà thờ Thánh Cosma và Damian, từ tất cả những nơi có thể hướng mắt mình ra những màu xanh đáng yêu nhất của cuộc đời. Không nơi nào trên con đường Amalfi ngắm biển đẹp như ở nơi này, nhất là khi hoàng hôn xuống và bình minh lên. Biển hiện lên quá đỗi thân thương mà cũng có phần xa cách từ những ban công nhà ở Ravello. Ở Amalfi, biển ùa vào tận giường một cách dịu êm nhưng cũng dữ dội nhất. Ở Positano cách đó không xa mà tôi từng ở đó mấy đêm, biển theo ánh trăng vào tận những căn phòng khách sạn có bao lơn chìa ngoài, làm tung những tấm ri đô cửa sổ.

Ở Ravello, biển không phải là một người bạn gần gũi như ở những thành phố đẹp mê hồn đã nêu tên kia, mà biển xanh thẳm như một người tình xa để yêu và để ngắm, yêu mà không thể đến gần được hơn nữa. Cả một vịnh màu xanh uốn mình đến phía trước khi tôi đang đắm mình trong một biển hoa đỏ ở Villa Rufolo. Tiếng sóng biển rì rào nhẹ nhẹ phía dưới như những nụ hôn gió, và những vệt trắng xóa dài trên mặt biển của những chiếc ca nô đang lướt đi như những vệt xước của trái tim. Xa mà gần, gần mà xa. Cuộc đời này vẫn đáng sống biết bao…
 
Một người bán bar ở gần Villa Cimbrone nói, có một huyền thoại kể lại rằng, chính ở Ravello, quỷ Satan đã đưa Chúa Jesus qua để cho Ngài thấy vẻ đẹp của thế giới trong “Cám dỗ thứ hai của Chúa” (Phúc âm Luke 4: 5-8). Vậy, Chúa Jesus đã nghĩ gì khi ngắm nhìn biển từ đây nhỉ? Và những văn hào như Boccaccio (đã nhắc tới Villa Rufolo trong tác phẩm nổi tiếng Decameron), Andre Gide, David Herbert Lawrence, Truman Capote, Graham Greene và Virginia Woolf, những nhạc sĩ như Edvarg Grieg, Richard Wagner, Tennessee Williams, Leonard Bernstein, những thi sĩ như Sara Teasdale và tài tử như Greta Garbo…cũng đã nghĩ gì khi đặt chân đến Ravello sau một chặng đường núi gian nan và sau đó, ở lại đây một thời gian dài, cảm thấy yêu mến Ravello và tên tuổi của họ trở thành bất tử cùng với thành phố?

Không ai biết, nhưng điều chắc chắn, là nếu như họ không tìm thấy ở đây một trái tim nào đó khiến họ đã đi nửa thế giới để kiếm tìm, thì họ cũng đã gặp được những cảm hứng cho nghệ thuật. Năm 1880, khi đến Villa Rufolo, sững sờ trước vẻ đẹp của biển và khu vườn đẹp như Địa đàng ở đó, Richard Wagner đã thốt lên, “Khu vườn Klingsor huyền bí chính là đây”. Chính đây là nơi đã tạo cảm hứng để ông viết chương 2 của vở opera “Parsifal”. Nữ thi sĩ Teasdale đã từng nhắc tới Ravello trong tập “Love Songs”. Frank Senior cũng ca ngợi Ravello với bài hát cùng tên trong album “Paris Deluxe”. Trong một ngôi nhà nhìn ra biển, Lawrence viết nhiều chương của cuốn “Người tình của quý bà Chatterley”, Gide viết một phần của “Kẻ vô luân” (1954).
 
Nhưng Ravello, trên hết là âm nhạc. Có lẽ vì nhìn thấy tâm hồn mình và cảm giác được giao hòa với màu xanh bất tử và bất biến ấy, mà nơi đây biến mình thành một thành phố của âm nhạc, từ những cảm hứng của Richad Wagner. Âm nhạc trên cái bao lơn rộng lớn đủ chỗ cho một dàn nhạc giao hưởng và vài trăm khán giả thưởng thức hàng đêm.

Liên hoan âm nhạc Ravello đã diễn ra ở đó vào các mùa hè từ hơn nửa thế kỉ qua, liên tục, không ngưng nghỉ, hàng đêm, cho đến 5 giờ sáng, khi bình minh lên. Không thể tưởng tượng nổi Ravello không có âm nhạc, nhất là những đêm có trăng. Trong bóng đêm tịch mịch hoặc khi đất trời chuyển mình vào một buổi sớm mai, ở sân khấu ấy, âm nhạc vang lên theo những cung bậc đẹp đẽ nhất của nó, trong tiếng sóng rì rào dưới vịnh biển, tiếng gió nhẹ làm rung cây thông Ý phía trên hai chóp của nhà thờ Santissima Annunziata in Campidoglio.
 
Nếu cuộc đời này là âm nhạc hòa trong gió biển, thì giấc mơ tiếp theo của tôi là một đêm Ravello như thế, ở độ cao 400 mét so với mực nước biển, nghe gió vi vu ở một tầm nhìn gần như vô tận về phía biển. Xa tít phía dưới là con đường Amalfi chạy dọc bờ đá, xa phía biển trong sương mờ là đảo Capri (với bài hát bất hủ “Capri, c’est fini”) và xa nữa, bên tay phải, Sorrento. Sorrento cho một cuộc trở về…

Theo Yume
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]