Rửa mũi phòng tránh bệnh mũi họng

Thời tiết mùa hè nóng, bụi, môi trường ô nhiễm là nguy cơ gây ra các bệnh về mũi, họng nếu không biết cách bảo vệ.

15.6

Thời tiết mùa hè nóng, bụi, môi trường ô nhiễm là nguy cơ gây ra các bệnh về mũi, họng nếu không biết cách bảo vệ. Sử dụng khăn che mặt có thể hạn chế được tác hại của môi trường đến cơ thể nhưng chỉ được một phần, phần lớn là sử dụng các biện pháp khác trong đó rửa mũi được coi là hình thức đơn giản, hiệu quả.

 Rửa mũi đúng cách để phòng bệnh.
Không khí trong môi trường ta sống thường có tác nhân gây bệnh từ ít đến nhiều. Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi như: khí độc thường gặp là khói thuốc lá, thuốc lào; khói hương; hơi than tổ ong, khí thải của động cơ đốt trong, lò cao, lò đốt rác, các hóa chất bay hơi; benzen, toluen, xăng pha chì, hơi thủy ngân, hơi diêm sinh...; bụi (đất, đá, amiăng (tác nhân gây ung thư phổi), chì, ximăng, bông, len; phấn hoa (gây viêm mũi dị ứng); vi khuẩn, virut, vi nấm... Hốc mũi là nơi chứa đựng nhiều nhất. Người làm việc trong môi trường ô nhiễm thường dùng mặt nạ hoặc khẩu trang để bảo vệ mũi. Khẩu trang thực ra chỉ hạn chế được một phần; đó là chưa kể nhiều khi phải đeo khẩu trang cả buổi mới thay. Do vậy, rửa sạch mũi là cách để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Khi nào cần dùng nước rửa mũi?

Để bảo vệ sức khỏe bản thân: - Buổi sáng: khi rửa mặt. - Buổi tối: trước khi ngủ. - Khi thời tiết khí hậu khô hanh, cảm thấy khó chịu ở mũi. - Sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như: tham gia giao thông; làm việc nơi nhiều khói bụi, hơi độc; làm việc nơi nhiều tác nhân gây bệnh (khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân; kiểm dịch động vật, giết mổ gia cầm, gia súc; chăm sóc vật nuôi; phun thuốc bảo vệ thực vật, tẩy độc môi trường; sửa chữa, tẩy rửa máy móc, xe cộ, động cơ đốt trong...)  - Khi có bệnh đường hô hấp: nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh phế quản, viêm phổi, lao phổi...

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Rửa mũi trước khi rửa tay để làm nhiệm vụ: Phẫu thuật, tiêm chích, chăm sóc bệnh nhân;  Pha chế, chế biến đóng gói thuốc hoặc thực phẩm trong khâu sản phẩm hở. Chăm sóc trẻ nhỏ, nhằm  tránh truyền virut, vi khuẩn, vi nấm có trong hốc mũi mình cho các đối tượng trên.

Cách rửa mũi cho sạch

 Người ta thường nói: Rửa mặt, rửa mũi cho sạch, nhưng thực tế chỉ mới rửa sạch mặt và phần ngoài của mũi, còn bên trong hốc mũi thì chưa sạch, vì khăn rửa mặt chỉ tiếp xúc được với vành ngoài của mũi (thế mà nhiều khi đã thấy vàng khè hoặc đen xì).  Muốn rửa sạch hốc mũi phía trong, phải cúi nghiêng đầu, xịt nước rửa mũi vào từng hốc mũi, dùng 2 ngón tay bóp day 2 cánh mũi cho nước chảy ra. Làm như vậy 2-3 lần mới rửa sạch được niêm mạc trong hốc mũi. Khi dùng bình xịt rửa mũi cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi đến trẻ 2 tuổi nên xịt nhẹ (có thể dùng thuốc nhỏ mắt natri clorid nhỏ mỗi hốc mũi 2-3 giọt rồi nghiêng đầu trẻ cho nước chảy ra, dùng khăn hoặc giấy mềm sạch lau khô cho bé). Trẻ trên 5 tuổi nên hướng dẫn cho bé tự làm có kiểm tra hướng dẫn là được. Sau khi dùng bình xịt rửa mũi cần rửa sạch vòi phun của bình rồi mới quay vòi của bình về vị trí bảo vệ hoặc đậy kín bình. Tuy nhiên, không nên lạm dụng biện pháp rửa mũi này vì sẽ làm ảnh hưởng đến niêm mạc mũi và gây nên những bệnh lý khác.

Sử dụng loại nước rửa mũi nào?

Tiêu chuẩn nước rửa mũi:  Nước rửa mũi phải đạt tiêu chuẩn vô khuẩn  và đẳng trương với huyết tương (dung dịch NaCl 0,9%), còn gọi là nước muối sinh lý.

Các loại nước rửa mũi: Trên thị trường có 2 loại nước rửa mũi là dung dịch NaCl 0,9% và nước biển tự nhiên đã khử bớt NaCl để đạt tiêu chuẩn 0,9% (nước biển tự nhiên có hàm lượng NaCl cao hơn 0,9% không dùng làm nước rửa mũi). Các loại này được chứa trong bình xịt có đầu phun tia nhỏ hoặc phun sương để tạo hạt nhỏ đi sâu vào hốc mũi.

Tác dụng của nước rửa mũi: Dung dịch NaCl 0,9% có tác dụng co niêm mạc nhẹ, co mạch nhẹ, sát khuẩn nhẹ. Nhờ đẳng trương với huyết tương, nước muối sinh lý giúp cho tái tạo tế bào niêm mạc mũi, làm cho việc thở bằng mũi được dễ dàng; giúp làm sạch dịch nhầy đóng nghẹt trong mũi. Dung dịch NaCl đẳng trương không độc hại mà còn có tác dụng chống khô mũi, nghẹt mũi, hỗ trợ tích cực cho việc điều trị nghẹt mũi và viêm mũi dị ứng, an toàn và hiệu quả.

Tự pha chế nước rửa mũi: Lấy 100g muối ăn loại tinh khiết (hàm lượng NaCl khoảng 85 đến 90%) cho nước sạch đã đun sôi vừa đủ 1.000ml rồi đun sôi lại, ta có dung dịch muối mẹ 9% NaCl. Lấy 100ml dung dịch muối mẹ cho nước sạch đã đun sôi vừa đủ 1.000ml rồi đun sôi lại 10 phút, ta sẽ có nước muối sinh lý làm nước rửa mũi (rửa mắt, rửa vết thương).            

DS. Xuân Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]