Sả có trị được ung thư?

Trong tinh dầu Sả còn có limonen, geraniol... là hai trong những monoterpen đã được nghiên cứu nhiều về các hoạt tính trị ung thư

15.6042
Gần đây trên một số báo điện tử có phổ biến một bài viết “Uống nước cây sả tươi làm cho tế bào ung thư tự tiêu hủy”. Bài này đã được chuyển đi nhanh chóng, chúng tôi cũng nhận được bài này từ 5 - 6 diễn đàn khác nhau và mới nhất là trên Diễn đàn Dược khoa. DS. Phan Chi, người gửi bài lên Diễn đàn Dược khoa có ghi thêm: “Trong bún bò Huế có rất nhiều sả tươi, như vậy mỗi ngày ăn một tô bún bò Huế là ta đã uống thuốc trị bệnh ung thư rồi...”.

Theo bài báo cũng thật chí lý: ăn bún bò Huế vừa ngon, vừa bổ dưỡng nên các bệnh nhân đang bị ung thư nếu ăn ngon miệng và ăn được... thì càng nên ăn, nhưng những người khỏe mạnh bình thường, chưa bị ung thư thì cũng chỉ nên ăn bún bò Huế... vừa đủ thôi để tránh tăng cholesterol và triglycerid cao... vì bún bò Huế rất nhiều chất béo.



Trở lại bài đang được phổ biến: “Tác dụng trị ung thư của dầu Sả được dựa trên một bài nghiên cứu đăng trên Planta Medica số 71, tháng 5/2005, trang 584 - 588 của nhóm nghiên cứu tại ĐH Ben Gurion, Do Thái, ghi nhận là citral, một hoạt chất trong dầu Sả (Cympopogon citratus), khi thử trong ống nghiệm có tác dụng tạo ra tiến trình apoptosis (tế bào được mã hóa để tự hủy diệt) nơi các tế bào ung thư. Citral gây khởi động caspase-3 nơi một số dòng tế bào ung thư gan… Liều citral được dùng là 44 microM, tương đương với 1 gram Sả tươi… Hoạt tính citral (22,25 microM) được so sánh với hoạt tính tạo apoptopsis của chất staurosporin (0,7 microM) dùng làm chuẩn… Đọc kỹ bài báo hơn nữa thì việc khuyến khích uống nước Sả chỉ áp dụng cho các bệnh nhân đã bị ung thư và đang được chữa trị bằng các phương pháp xạ trị, hóa trị và uống thêm nước Sả như một nước giải khát bổ sung…

Bài này xin chỉ giới hạn trong vấn đề “Sả và ung thư” vì thật ra Sả còn có nhiều tác dụng sinh học khác và trước khi bàn về hoạt tính trị ung thư của Sả, chúng tôi xin tóm lược vài điểm chính về Sả:

Chi Cymbopogon (Lemongrass) gồm khoảng 55 loài, có nguồn gốc tại những vùng khí hậu ấm áp, nhiệt đới Á châu và Úc châu. Theo phân loại của Âu Mỹ thì Cymbopogon được chia thành 2 nhóm: East Indian Lemongrass, tiêu biểu là C. flexuosus, gốc từ Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan và West Indian Lemongrass, tiêu biểu là C. citratus gốc tại Malaysia.

Tên tại VN của vài loài Sả:

Cymbopogon citratus: Sả chanh.
Cymbopogon flexuosus: Sả dịu.
Cymbopogon martinii: Sả hoa hồng, Sả hồng.
Cymbopogon winterianus: Sả Java, Sả đỏ, Sả xòe.
Cymbopogon nardus: Sả Sri Lanca.


Thành phần hóa học

Thành phần hóa học trong tinh dầu của các loài Sả có những khác biệt đáng kể:

*  Sả chanh (Cymbopogon citratus) tươi chứa khoảng 0,4% tinh dầu dễ bay hơi. Tinh dầu chứa 65 đến 85% citral (là một hỗn hợp gồm 2 monoterpen loại aldehyd đồng phân geranial và neral). Citral được dùng làm chất tạo hương vị bổ túc cho tinh dầu chanh và được dùng trong kỹ nghệ hương liệu, nước hoa do ở mùi thơm chanh bền. Trong tinh dầu còn có các hợp chất khác như myrcen (12 - 25%), các diterpen, methylheptenon, citronellol, linalol, farnesol, các alcohol, aldehyd, linalool, terpineol và khoảng trên 12 hợp chất tạo hương khác...

Thành phần tinh dầu trong Sả chanh có thể thay đổi tùy địa phương nơi trồng Sả:

- Sả chanh trồng tại Philippines có chứa thêm alpha và beta-pinen, limonen, phellandren...
- Sả chanh tại Bangladesh lại có anisaldehyd, cinnamaldehyd, catechol và hydroquinon...

* Sả dịu (Cymbopogon flexuosus) chứa khoảng 0,4% và một số chủng trồng cho tinh dầu chứa đến 85% citral... Mặt khác cũng có những chủng chứa nhiều geraniol (50%) và methyl eugenol... Đặc biệt hơn nữa còn có những chủng trồng không chứa citral nhưng lại chứa đến 30% borneol.

* Các loại sả khác chứa trong tinh dầu những thành phần khác biệt như: C. jwarancusa có 70% piperiton; C. distans có 40% piperiton; C. matrinii có geraniol và geraniol acetat...
(Ngoài tinh dầu, C. citratus còn chứa luteolin, homo-orientin, chlorogenic acid, caffeic acid, P-coumaric acid, fructose, sucrose, octacosanol, flavonoid và nhiều chất khác).


 Sả và ung thư

Ngoài kết quả nghiên cứu đăng trên Planta Medica của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hazeva thuộc Viện nghiên cứu về sa mạc Jacob Blaustein, Viện ĐH Ben Gurion kể trên đưa ra vai trò của citral như một chất gây khởi phát cho hoạt động của caspase-3 nơi một số dòng tế bào ung thư, còn có một số những nghiên cứu khác về khả năng của các hoạt chất khác như d-limonen và geraniol trong tinh dầu Sả trong vấn đề ngừa và trị ung thư. Nên chú ý là các nghiên cứu đều chỉ ở giai đoạn sơ khởi, nghĩa là dùng hoạt chất rồi cho thử nghiệm trên các tế bào ung thư cô lập, và thử trong ống nghiệm.

Tinh dầu trích từ lá Sả (C. citratus) và citral có hoạt tính diệt được tế bào ung thư máu loại P338 (của Chuột) (Current Sciences Số 73-1997).

Nước chiết từ cây Sả có khả năng chống đột biến (antimutagenic) nơi một số chủng tế bào S. typhimurium (Mutation Research Số 341-1994).

Nước chiết từ Sả ức chế được sự tạo DNA nơi một số dòng tế bào ung thư ruột (ở Chuột) (Carcinogenesis Số 18-1997).

Tinh dầu Sả (C. flexuosus), có hoạt tính diệt tế bào khi thử trên 2 dòng tế bào ung thư (người) cho thấy có tác động trên các tế bào ung thư Ehrlich và Sarcoma-180 (Chemistry and Biology Interaction Số 179-2009).

Tinh dầu Sả (C. flexuosus) và hoạt chất chính: sesquiterpen isointermedeol có khả năng gây khởi động hiệu ứng apoptosis nơi tế bào ung thư máu HL-60. (Chemistry and Biology Interaction Số 17-2008).
Hoạt tính của các monoterpen

Trong tinh dầu Sả còn có limonen, geraniol... là hai trong những monoterpen đã được nghiên cứu nhiều về các hoạt tính trị ung thư (monoterpen khác cũng được nghiên cứu là perillyl alcohol, trong cơ thể, khoảng 40% limonen được chuyển biến thành perillyl alcohol).

Có khoảng 15 nghiên cứu “in vitro” ghi nhận là monoterpen có khả năng ức chế sự tăng trưởng của một số dòng tế bào ung thư. Liều tối thiểu để có hoạt tính thay đổi khá rộng tùy loại monoterpen trong các nghiên cứu, có thể từ 50 đến 5.000 microM, trung bình là trong khoảng 160 đến 1.300 microM.
Các nồng độ này được xem là tương đối cao khi so sánh với nồng độ của các chất tự nhiên được thử nghiệm khác (Leukemia số 13/1999; Cancer Research số 59-1999; Nutrition Cancer số 32-1998).

Có ít nhất là 7 nghiên cứu về tác động chống ung thư của monoterpen, thử nghiệm trên thú vật. Các nghiên cứu này cho thấy monoterpen khi dùng dưới dạng thuốc uống có khả năng tạo sự teo biến của nhiều loại bướu ung thư, có những trường hợp có sự teo biến hoàn toàn (100%) (Cancer Chemotherapy and Pharmacology số 34-1994; Journal of The National Cancer Institute số 76-1986).

Có 2 nghiên cứu giai đoạn I nơi người đã được thực hiện, nhưng mục tiêu chính là nhằm xác định các thông số dược động học và liều cao nhất được xem là an toàn khi thử nơi bệnh nhân ung thư, nhưng không xác định về mức độ hữu hiệu (Clinical Cancer Research số 4-1998).

Ngoài ra cũng còn có một số nghiên cứu ghi nhận khả năng “ngừa ung thư” nơi thú vật của các monoterpen (Breast Cancer Research and Treatment số 46-1997).


Tác động của monoterpen

Các monoterpen, limonen, geraniol và perillyl alcohol có khả năng làm giảm sự tăng trưởng và sinh sản của nhiều loại tế bào ung thư khi thử cả “in vitro” lẫn “in vivo”, tuy nhiên cơ chế hoạt động chưa được xác định rõ ràng và được giả thiết là do: ức chế sự tổng hợp isopren (nếu các protein từ các tế bào sinh ung thư không qua giai đoạn isoprenyl hóa, thì chúng sẽ không gây ung thư cho tế bào).

Khởi phát sự tái phân cắt tế bào (cell redifferentiation)

Khởi phát hiệu ứng apoptosis.

Cải thiện sự khởi phát ức chế các yếu tố tăng trưởng như TGF-beta…

Ngăn chặn sự ức chế miễn dịch để tạo tế bào ung thư.

* Limonen

Tác động chống ung thư của limonen và các monoterpen khác đã được nghiên cứu rất nhiều tại ĐH Wisconsin với các kết quả ghi nhận là limonen có các hoạt tính chống ung thư đáng kể khi thử trên các loài gặm nhấm khác nhau về các loại ung thư bao tử, phổi, da, và gan: liều limonen cho uống chiếm 10% tổng số lương thực cho ăn (khoảng 7,5 g/kg) mỗi ngày trong 3 tuần lễ tạo sự thoái bộ của các bướu ung thư trong 85% số Chuột bị gây ung thư vú. Liều tối thiểu phải chiếm 7,5% tổng lượng thực phẩm hàng ngày mới đủ tạo ra hiệu ứng (khoảng 5,6 g/kg). Hiệu ứng chống ung thư nơi Chuột được ghi nhận khi quan sát các loại khối u nhỏ và cả những khối u đã phát triển, đồng thời đa số các khối u đều thoái bộ hoàn toàn. Sự thoái bộ được giữ nguyên nếu tiếp tục cho dùng limonen và limonen không gây ra những phản ứng độc hại dù dùng lâu dài (Cancer Research Số 15-1992).

Liều áp dụng cho người, khi tính từ liều 5,6 g/kg mỗi ngày nơi Chuột, được xem là khoảng 91 g/ngày. Nếu thử tính lượng Sả tươi cần thiết để có được 91 g limonen sẽ thấy như sau:

Sả tươi C. citratus và C.flexuosus chứa trung bình 0,5% tinh dầu, nghĩa là 1 kg Sả sẽ cho 5 g tinh dầu. Tinh dầu Sả có thể chứa đến 60% monoterpen, như vậy 1 kg Sả có thể chứa khoảng 3 g monoterpen. Muốn có 90 g monoterpen sẽ phải dùng đến… 30 kg Sả tươi/ngày! (Tinh dầu Cam chứa nhiều limonen hơn là tinh dầu Sả).

Khi dùng các liều thấp hơn (dưới 1% của tổng lượng thực phẩm), limonen có khả năng ngăn ngừa sự phát triển ung thư vú gây ra do một số hóa chất độc hại khi thử trên Chuột. Hoạt tính này được giải thích là do limonen và các monoterpen giúp giải độc, tạo biến dưỡng các chất độc nơi gan (Proceedings of the American Association for Cancer Research số 34-1993).


* Monoterpene khác

Do ở liều sử dụng limonen tương đối cao, nên một số các monoterpen khác đã được nghiên cứu:
Perillyl alcohol: là một hóa chất thông dụng trong kỹ nghệ hương liệu. Perillyl alcohol, một chất liên hệ với limonen, có tiềm năng tạo sự thoái bộ của bướu ung thư mạnh hơn limonen từ 5 đến 10 lần khi thử nghiệm trên ung thư vú ở Chuột (Cancer Chemotherapy and Pharmacology số 34-1994).

Trong cơ thể, cả hai chất limonen và perillyl alcohol đều được biến dưỡng thành những chuyển hóa terpen có những hoạt tính sinh học. Một trong những chuyển hóa chất này: perillic acid có lẽ là chất chính chịu trách nhiệm diệt bướu ung thư. Một giờ sau khi cho Chuột dùng limonen, 80% limonen được chuyển biến thành perillic acid và dihydroperillic acid. Nơi người, 40% limonen được chuyển thành perillic acid.

Khi dùng ở liều cao (từ 2 đến 2,5% tổng lượng thực phẩm) perillyl alcohol tạo được sự thoái bộ của 85% bướu u nhỏ và 75% bướu đã phát triển ung thư vú nơi Chuột bị tạo ung thư. Đa số các sự thoái bộ được xem là hoàn toàn. Tuy liều cao 2% không gây phản ứng phụ độc hại nhưng liều 2,5% tạo sự mất cân nơi Chuột thử nghiệm, và liều 3% gây một số tử vong (liều tương đương nơi người, khi dùng 2% là 24 gram/ngày). Liều tối thiểu để có hoạt tính trị ung thư được xác định là 1%, hay 750 mg/kg, tương đương với 12 g/ngày khi áp dụng cho người.

Perillyl alcohol không gây ảnh hưởng trên sự sinh sản tế bào nhưng tạo hiệu ứng apoptosis rất mạnh (Cancer Research Số 55-1995), và hiệu ứng apoptosis chỉ xảy ra nơi một số tế bào chuyên biệt. Một nghiên cứu ghi nhận perillyl alcohol chỉ tạo apoptosis nơi các tế bào tụy tạng bị ung thư và không gây hiệu ứng nơi các tế bào tụy tạng lành mạnh (Carcinogenesis số 18-1997). Khi cho dùng liều 1,5 g/kg mỗi ngày, perillyl alcohol làm giảm sự tăng trưởng của bướu ung thư tụy tạng nơi Chuột, Bọ thử nghiệm đến trên 50% (Cancer Letter Số 96-1995). Liều tương đương nếu áp dụng cho người là khoảng 21 g/ngày.

Geraniol: chất monoterpen geraniol có phần hữu hiệu hơn perillyl alcohol trong việc điều trị các khối u “đã cố định”. Trong một nghiên cứu, liều tối đa geraniol để tạo tác dụng diệt u bướu nơi Chuột thử nghiệm, được xác định là 740 mg/kg (trong khi liều perillyl alcohol là 750 mg) (FASEB, Meetings Abstract Số 7-1993). Ngay khi dùng ở liều thấp hơn 360 mg/kg, geraniol hiệu nghiệm trong việc làm giảm bớt số lượng tế bào ung thư gan ghép chuyển nơi Chuột (liều áp dụng cho người sẽ khoảng 5,8 g/ngày). Liều geraniol cho uống 250 mg/kg tạo giảm tăng trưởng nơi các tế bào ung thư máu (leukemia) và melanoma chuyển ghép nơi Chuột (liều áp dụng cho người sẽ là 2,4 g/ngày) (Cancer Research số 51-1991).

Tóm lại: qua những thông tin về các nghiên cứu khoa học trên, chúng ta có thể đi đến kết luận thực tế là: Bài báo phổ biến trên các website về “Uống nước cây Sả làm cho tế bào ung thư tự tiêu” chỉ là một bài báo quảng cáo cho một số thành quả về việc phát triển trồng trọt tại những vùng sa mạc ở Do Thái. Về việc nước cây Sả, bài báo cũng ghi khá rõ là áp dụng cho những bệnh nhân đang bị ung thư và đang được chữa trị bằng các phương pháp y khoa chính thống như xạ trị, hóa trị... cho uống thêm nước Sả để bổ túc mà thôi.

Tuy nhiên, với liều lượng ghi trên báo: uống ngày 8 lần, mỗi lần nước của 1 g Sả tươi theo chúng tôi thì quá ít (liều dùng Sả trong y học cổ truyền để trị một số bệnh khoảng 12 g Sả tươi sắc uống mỗi ngày), để có được hoạt tính thật sự trong việc điều trị nhưng cũng vô hại. Và các bệnh nhân đang bị ung thư cứ việc thử uống thêm để thay nước trà trong khi đang được điều trị.

Theo DS. Trần Việt Hưng - DS. Phan Bảo An - Khoa học phổ thông
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]