Sốt xuất huyết: Bệnh không của riêng ai

Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm, cao điểm vào mùa mưa. không chỉ tấn công trẻ nhỏ mà nó còn tấn công cả những người trưởng thành...

15.6018
Nguyên nhân bệnh có rất nhiều, song có thể kể một số nguyên nhân phổ biến sau: Nguồn nước do nhà máy nước cung cấp không đủ dùng khiến một số gia đình phải trữ nước và trữ không đúng cách nên trở thành nơi cho muỗi sinh sản; hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện khiến nước thải bị ứ đọng; rác không được xử lý đúng và vương vãi nhiều nơi do quản lý chưa tốt, do thói quen vứt rác bừa bãi của một số người...

Nam và nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, nhưng đa số trường hợp sốt xuất huyết là trẻ em, lứa tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 2 - 9 tuổi. Các trường hợp nặng thường rơi vào trẻ dưới 1 tuổi, người dư cân, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính (tiểu đường, viêm phế quản, hen phế quản, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận).

Người dư cân dễ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng vì theo giả thuyết của Halstead, tình trạng sốc trong sốt xuất huyết do phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể hưng phấn (không phải kháng thể trung hòa, kháng thể trung hòa có thể bất hoạt kháng nguyên).Phản ứng này thường xảy ra mạnh mẽ ở những cá thể dư cân, nên diễn tiến sốc ở những bệnh nhân này thường nặng hơn.
Điều trị cho trẻ bị mắc bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: vov.vn)

Ngoài ra, việc lập đường truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân dư cân không phải lúc nào cũng dễ dàng, có khi phải bộc lộ tĩnh mạch mà bệnh nhân sốt xuất huyết lại có nguy cơ chảy máu cao làm cho tình hình bệnh thêm nghiêm trọng.

Cần lưu ý, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần. Bệnh nhân hoặc thân nhân cần chú ý những triệu chứng sau: vật vã hoặc lừ đừ, sốt li bì, đau bụng vùng dưới sườn bên phải, ói nhiều, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, đi tiêu ra phân đen, tay chân mát hoặc lạnh, có dấu "ấn ngón tay" (thời gian phục hồi màu da) lâu hơn 2 giây. Vị trí để thực hiện "dấu ấn ngón tay" thường là đầu ngón tay hoặc mặt trong cẳng tay.

Phải biết chính xác ngày bắt đầu bệnh để có thể xác định giai đoạn nguy hiểm (từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu). Phải theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn nguy hiểm dù bệnh nhân đã hạ sốt.

Trong giai đoạn nguy hiểm, sốt thường hạ hoặc thậm chí không còn sốt nữa nên một số phụ huynh cảm thấy yên tâm vì nghĩ rằng con mình đã bớt bệnh, do đó dễ mất cảnh giác trong giai đoạn này.

Chỉ dùng Paracetamol để hạ sốt, không được dùng Aspirin vì Aspirin làm cho tình trạng xuất huyết và rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn. Trong những ngày đầu của bệnh, triệu chứng có thể chưa rõ ràng mà chỉ có biểu hiện giống như cảm cúm (sốt, đau cơ, đau khớp) nên bệnh nhân, đặc biệt là người lớn, có khi dùng những biệt dược kép này làm cho bệnh nặng hơn.

Không được cạo gió, cắt lễ vì có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng hơn. Không cho bệnh nhân dùng đồ ăn thức uống có màu đỏ, nâu, đen để tránh nhầm với xuất huyết tiêu hóa, cũng không nên ép bệnh nhân ăn uống, chỉ nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng và uống nhiều nước.

Nên nhập viện trong những trường hợp sau: Bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân thuộc đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nặng: dưới 1 tuổi, dư cân, có thai, có bệnh lý nền (tiểu đường, suy tim, suy thận...), bệnh nhân có nguy cơ không được theo dõi sát hoặc không thể nhanh chóng đến bệnh viện (ở một mình, ở xa bệnh viện).

Việc phòng ngừa bằng vắc-xin đã có nhưng cho đến nay vẫn còn trong nghiên cứu giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển một vắc-xin trước khi quyết định đưa vào sử dụng. Vắc-xin có khả năng kích thích cơ thể sinh kháng thể kháng với cả bốn týp vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Lịch tiêm gồm ba mũi, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Nếu nghiên cứu thành công, có lẽ sớm nhất là năm 2014 vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết mới có thể được sử dụng đại trà.
AloBacsi.vn
 Theo TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Nga - Doanh Nhân Sài Gòn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]