Thai phụ bị viêm gan B, con không được chủng ngừa bệnh

15.6009

Có bầu, biết mình bị viêm gan B nên trước khi sinh chị Tố Uyên (Thái Nguyên) đã báo với bác sĩ để bé được tiêm văcxin ngay khi chào đời. Thế nhưng, sau đó chị ngỡ ngàng khi biết con không hề được chủng ngừa.
>

Ảnh minh họa: Telegraph.

Biết mình nhiễm viêm gan B khi mới mang thai được một tháng, chị Uyên rất hoang mang, lo sợ lây bệnh cho con. Vì vậy, chị quyết định sinh con tại bệnh viện của thành phố cho yên tâm. Vào viện, chị đã nhiều lần nói với bác sĩ bệnh của mình để mong bác sĩ tiêm phòng cho bé càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, mẹ tròn con vuông xong, chị mới biết bé không được chủng ngừa. Phải đợi một tháng sau bé nhà chị mới được chích ngừa. Thời gian đó, lúc nào chị Uyên cũng ở trong tâm trạng phập phồng lo lắng, đi xét nghiệm máu thường xuyên để xem con có bị nhiễm viêm gan B không.

"Rất may là con tôi nay được gần một tuổi rồi và không bị bệnh. Thế nhưng tôi vẫn bức xúc vì rõ ràng mẹ bị bệnh, thế mà bé lại không được tiêm văcxin ngừa lây. Không biết còn bao nhiêu trẻ khác có nguy cơ mắc bệnh mà lại không được chủng", chị Uyên chia sẻ.

Thực tế có nhiều trẻ sinh ra không được tiêm văcxin viêm gan B, dù thai phụ bị nhiễm virus. Số trẻ ở Thái Nguyên được tiêm văc xin ngừa bệnh này ngay sau sinh trong 3 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt 2,1%.

Các chuyên gia khuyến cáo, đây không chỉ là thực trạng của riêng tỉnh Thái Nguyên mà trên cả nước. Tỷ lệ trẻ được tiêm văcxin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đang giảm một cách báo động.

Năm 2006, tỷ lệ tiêm chủng văcxin này trên cả nước đạt hơn 90%. Thế nhưng trong năm 2007, con số này giảm xuống 64%, đến năm 2008 thì chỉ còn 25%. Năm 2009, tỷ lệ có tăng lên được 40%, nhưng trong 5 tháng đầu năm nay lại xuống rất thấp. Miền Bắc chỉ còn 13%, miền Nam 18%. Đến 42 tỉnh, thành không đạt được tỷ lệ 10%. Thậm chí, Cao Bằng, Yên Bái không có bé nào được tiêm ngừa.

Lý giải điều này, phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, năm 2007, sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng tử vong sau tiêm, tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế đã có những ảnh hưởng. Nhiều người sợ không muốn cho con đi tiêm. Cán bộ y tế cũng e ngại, lo sợ phản ứng nặng xảy ra. Cũng vì thế, có hiện tượng chống chỉ định rộng, do dự không muốn tiêm văcxin liều sơ sinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, văcxin viêm gan B là một trong những văcxin an toàn, không có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân... cũng có thể tiêm được. Theo ước tính, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1-2 trong một triệu liều, rất thấp trong khi các loại văcxin khác tỷ lệ có thể lên tới 2-5 trên triệu liều. Cần phải hiểu rằng, văcxin cũng như các dược phẩm khác không phải tuyệt đối an toàn và hiệu quả. Vẫn có một tỷ lệ dù rất nhỏ, có thể mắc bệnh và phản ứng sau tiêm.

Theo phó giáo sư Hiển, tiêm văcxin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3-9%), sốt trên 37,7 độ C và sốc phản vệ nhưng chỉ khoảng 1/600.000 liều.

Hiện Việt Nam vẫn là vùng có tỷ lệ người mang virus viêm gan B rất cao, 10-20% dân số. Tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, sẽ phòng được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh. Trong khi nếu mẹ có virus viêm gan B, thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan sau đó. Khi đó, việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

Kết quả đánh giá về nguyên nhân các phản ứng nặng sau tiêm ở Việt Nam trong những năm vừa qua của Hội đồng khoa học Bộ y tế cũng cho thấy không phải do văcxin và tiêm chủng. Vì thế, cha mẹ nên yên tâm và cho con đi tiêm đầy đủ. Điều này giúp trẻ phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ và sớm được phòng lây bệnh này từ người thân, bạn cùng trang lứa...

Phương Trang

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]