Thịt cóc có giúp phòng còi xương như đồn thổi?

GiadinhNet - Đã có rất nhiều cảnh báo về ngộ độc thịt cóc, nhưng loại thực phẩm này vẫn được rao bán hàng ngày ở các con phố của Thủ đô. Điều đó cho thấy, nhiều người vẫn ưa chuộng thịt cóc, dù các chuyên gia dinh dưỡng cho hay: Thịt cóc không bổ dưỡng hơn so các thực phẩm an toàn khác.

15.6028

 

Đã có rất nhiều cảnh báo về ngộ độc thịt cóc, nhưng loại thực phẩm này vẫn được rao bán hàng ngày ở các con phố. Ảnh: Phương Nhung

 

Đã có nhiều trường hợp tử vong vì thịt cóc

Không có con số thống kê cụ thể đã có bao nhiêu người chết vì , nhưng các vụ việc tử vong sau khi ăn món này vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, dường như những cảnh báo về mối nguy hại của thịt cóc vẫn không làm cho món ăn này bị “thất sủng”. Hàng ngày, vẫn có rất nhiều người bán rong mang cóc đi bán. Theo các kinh nghiệm dân gian và truyền miệng, thịt cóc vốn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có chứa các chất kích thích giúp trẻ còi xương, chậm lớn có thể ăn uống tốt hơn và nâng cao thể lực (?!).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt cóc tuy là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng lại chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng cóc). Chất độc này có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Ước tính lượng bufotoxine trong 1 con cóc có thể khiến 4 – 5 người khỏe mạnh tử vong. Nọc cóc giống như chất độc ở trong cá nóc làm cho người ăn phải sẽ co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm... Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận... Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng.

Triệu chứng ngộ độc độc tố từ cóc thường biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện: Chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; Hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, truỵ tim mạch, huyết áp lúc đầu cao, sau đó tụt; Rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; Bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp… Nếu nhựa cóc bắn dính trực tiếp vào niêm mạc mắt, xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc..

Độ đạm như thịt gà, thịt ếch

Khi được hỏi về việc đã từng cho con ăn thịt cóc bao giờ chưa, chị Nguyễn Thị Lan Hương – một người bán nước trà dạo trên phố Nguyên Hồng cho biết: “Tôi chưa từng mua thịt cóc cho con ăn, cũng chưa từng có ý định mua. Nhiều thông tin đã nói, cóc rất độc và cũng chẳng bổ dưỡng lắm, mà không hiểu sao vẫn có những người mua thịt cóc cho con ăn ở thời buổi này! Tôi nghĩ, ngày xưa đói khổ, không có gì ăn thì mới phải cho con ăn món đó thôi!”.

Cũng như chị Hương, nhiều người được hỏi cũng cho rằng: Thịt cóc có thể chứa một số chất bổ dưỡng cho cơ thể, nhưng vào những năm tháng đất nước còn khó khăn, thực phẩm thiếu thốn, thông tin chưa nhiều thì việc lấy thịt cóc làm thức ăn còn chấp nhận được, chứ khi điều kiện kinh tế, xã hội phát triển như hiện nay, món ăn này không còn phù hợp nữa!

Chị Mai Anh (trú tại Khu tập thể Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) phản ứng khá gay gắt với việc cho con ăn thịt cóc: “Giờ bao nhiêu loại thức ăn bổ dưỡng và an toàn, không hiểu sao vẫn có mẹ mua cóc cho con ăn được thì thật lạ? Tôi biết rất nhiều trường hợp chết vì thịt cóc rồi. Chưa biết bổ ra sao nhưng cho con ăn mà không biết có an toàn tới tính mạng thì không nên dùng!”.

Theo các nghiên cứu, thịt cóc có lượng đạm tương đương với ếch, gà (khoảng 22%). Nó cũng có chất kẽm, nhưng thua các loại hải sản; Có chứa sắt, nhưng không bằng gan lợn. BS Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào về công dụng của thịt cóc. Còn về dinh dưỡng, thịt cóc có nhiều đạm thật nhưng cũng không cao hơn thịt gà. Các vi chất cũng không dồi dào so với những thực phẩm khác. Theo BS Hưng, ở gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của con cóc chứa rất nhiều bufalotoxine. Vì chưa nghiên cứu nên không thể khẳng định rằng, cách chế biến chặt đầu, cổ, chân, bỏ da và ruột... có giúp loại bỏ hết độc tố hay không.

 

1 người tử vong, 3 người nhập viện vì ăn cóc nướng

Ngày 20/7 vừa qua, bốn người trong một gia đình tại thôn Lừu 1 (xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) bị ngộ độc do ăn cóc nướng, trong đó một người đã tử vong. Theo các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu, tối 20/7, ba bệnh nhân bị ngộ độc đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Trước đó, khoảng 8h30 ngày 20/7, Bệnh viện Đa khoa huyện Trạm Tấu tiếp nhận bốn bệnh nhân là bà Lò Thị Biều (65 tuổi) cùng con dâu là Mè Thị Dân và hai cháu là Mè Thị Quyền (13 tuổi), Mè Thị Thảo (11 tuổi) ở thôn Lừu 1 (xã Hát Lừu) đều có các triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, khó thở, huyết áp không đo được, nhịp thở chậm, da niêm mạc tím tái.

Ngay sau khi tiếp nhận, cán bộ y, bác sỹ bệnh viện đã khẩn trương tiến hành các biện pháp như: Hút đờm, đặt nội khí quản, ép tim, dùng các thuốc vận mạch… để cấp cứu các nạn nhân. Sau hơn hai tiếng được cấp cứu tích cực, nhưng do bị ngộ độc nặng và đưa đến bệnh viện chậm nên bệnh nhân Lò Thị Biều đã tử vong. Theo người nhà bệnh nhân, sáng cùng ngày, gia đình bà Lò Thị Biều đã bắt hai con cóc nướng để cả nhà cùng ăn sáng. Bà Biều ăn phần nội tạng cóc nên bị ngộ độc nặng hơn và đã xảy ra trường hợp đáng tiếc trên.

Cuối tháng 6/2015, tại thôn Mông Đơ (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu), chị Hảng Thị Mê cũng đã bắt cóc để nướng cho con ăn. Hậu quả, con gái chị, cháu Mùa Thị Chi (30 tháng tuổi) đã bị ngộ độc và tử vong.

P.Vĩnh

Ngân Giang/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]