Thoát hỏa hoạn trong nhà ống, cách nào?

TP - Liên quan vụ hỏa hoạn rạng sáng 11/6, khiến 5 người chết tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cán bộ phòng cháy chữa cháy Hà Nội chia sẻ nhiều kinh nghiệm ứng phó để thoát nạn khi xảy ra cháy.

15.5869
Hiện trường vụ cháy nhà, khiến 5 người chết ở quận Hoàng Mai

Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Phó trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội (Sở PCCC Hà Nội) cho biết, trong các vụ cháy xảy ra tại nhà dân ở Hà Nội vừa qua, nguyên nhân do sử dụng điện chiếm tỷ lệ cao. Nhiều vụ cháy do chập điện từ bên ngoài (khoảng cách an toàn lưới điện không đảm bảo) rồi cháy lan vào nhà dân.

Trong khi đó, không ít khu dân cư lâu đời chưa được nâng cấp, cải tạo, hệ thống dây dẫn diện có thể được lắp đặt hàng chục năm nay, thậm chí nhiều nơi vẫn dùng dây điện trần, không dùng át-tô-mát mà sử dụng cầu dao.

Mặc dù dây dẫn điện chưa được nâng cấp nhưng lượng lắp đặt thiết bị tiêu thụ điện lại tăng dần (ví dụ như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, quạt treo tường…), nhất là trong những ngày nắng nóng dẫn đến hiện tượng dây dẫn điện bị quá tải, sinh nhiệt và phá hủy lớp cách điện gây chạm, chập điện và cháy. Nhiều trường hợp các thiết bị tiêu thụ điện đã sử dụng lâu nhưng không được kiểm tra, bảo dưỡng (ví dụ như quạt, bếp điện, bếp từ, điều hòa, tủ lạnh…) có thể dẫn đến hiện tượng chạm, chập gây cháy.

Ngoài ra, có vụ cháy nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng lửa. Chẳng hạn, việc thắp hương thờ cúng khi không có người trông coi, hóa vàng mã nhưng không kiểm soát được cũng gây cháy. Hoặc khi đun nấu quên tắt bếp gas, bếp điện, là quần áo xong quên rút điện hoặc để trên các vật dụng dễ cháy…

Trở lại vụ hỏa hoạn đêm 10, rạng sáng 11/6 tại Hoàng Mai, Hà Nội, theo thiếu tá Hiếu, do nằm ở trong ngõ hẻm sâu, đường vào hẹp, thời điểm phát hiện cháy lại rất muộn nên khi lực lượng PCCC tiếp cận được đám cháy thì đám cháy đã lan ra toàn bộ tầng 1, khói bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Nhà bị cháy có diện tích nhỏ (chỉ 25m2), toàn bộ phương tiện xe máy và xe đạp đều để ở tầng 1 nên khi xảy ra cháy đã gây cháy lớn.

Hơn nữa, do thiết kế ngôi nhà rất khó thoát hiểm (cửa sổ bịt kín khung nhôm sắt, trần thượng ngôi nhà khóa chặt) nên các nạn nhân khó bề chạy thoát. Thiếu tá Hiếu cho biết, người bình thường bị ngạt khói chỉ 30 giây là chết lâm sàng, nếu không được sơ cứu kịp thời 1-2 phút sau sẽ tử vong.

Để thoát nạn khi gặp sự cố tương tự như ở trường hợp này, theo thiếu tá Hiếu, trước hết cần bình tĩnh sử dụng các vật dụng như chăn, màn, quần áo hoặc khăn tẩm ướt bịt mũi để tránh ngạt khói. Về nguyên tắc khói thường bay lên trên nên người bị nạn có thể cúi khom hoặc bò sát dưới đất để đỡ nhiễm khói hơn. Sau đó tìm cách chạy thoát ra khỏi nhà đang cháy bằng các lối thoát hiểm như ban công hoặc trèo lên tầng thượng để tìm cách sang nhà hàng xóm, ra tín hiệu hoặc kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài.

Hiện nay, nhiều gia đình khi xây dựng nhà ống cũng không lường trước được các hậu họa nên không thiết kế các lối thoát hiểm hoặc do sợ bị trộm cắp nên thiết kế quá an toàn, khi hỏa hoạn không kịp thoát nạn… Ít nhất mỗi gia đình cần có bình cứu hỏa mini.

Trước hết cần bình tĩnh sử dụng các vật dụng như chăn, màn, quần áo hoặc khăn tẩm ướt bịt mũi để tránh ngạt khói. Về nguyên tắc khói thường bay lên trên nên người bị nạn có thể cúi khom hoặc bò sát dưới đất để đỡ nhiễm khói hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]