Thời tiết chuyển mùa, cẩn thận trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản

(Dinhduong.com.vn) Viêm tiểu phế quản là một loại bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi. Biểu hiện của bệnh khởi đầu bằng triệu chứng sốt, ho, sổ mũi. Một hai ngày sau bé thở khò khè, thở nhanh, quấy khóc và bú kém.

15.5943

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản là bệnh gây ra do vi rút xâm nhập vào đường hô hấp, chiếm tỷ lệ cao nhất là vi rút hợp bào hô hấp. Các tiểu phế quản (phế quản nhỏ) bị viêm, phù nề làm cho trẻ thở khò khè, trường hợp nặng hơn có thể gây khó thở, tím tái. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với những giọt nước mũi, đàm văng ra khi ho, hoặc gián tiếp qua tay người chăm sóc, qua đồ chơi của trẻ.

Diễn tiến của bệnh

Thông thường, thời gian để hết hoàn toàn các triệu chứng là 11-14 ngày, trung bình 12 ngày. Tuy nhiên, gần 40% các trường hợp vẫn còn có triệu chứng kéo dài sau 2 tuần, gần 20% vào tuần thứ 3, gần 10% vào tuần thứ 4. Trẻ viêm phế quản có thể bị các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi do bội nhiễm vi trùng, xẹp phổi.
Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị.

Cách điều trị

Không dùng kháng sinh khi viêm tiểu phế quản ở giai đoạn khởi bệnh, biện pháp chủ yếu là làm long đờm, cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng đề kháng. Có thể điều trị các triệu chứng cho trẻ bằng nhiều cách như tăng cường bú mẹ, nếu trẻ đã ăn dặm thì cho ăn loãng hơn, uống thêm nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo... theo nhu cầu, cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, làm thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Trước khi cho trẻ ăn cần lưu ý làm thông thoáng mũi, họng cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. Mỗi lần 5-6 giọt, ngày 5-6 lần hoặc hơn. Sau khi nhỏ nước muối sinh lý xong thì đợi một lát để nước mũi loãng ra thì dùng dụng cụ, có thể dùng miệng để hút sạch mũi cho trẻ. Nhiều trẻ tự khỏi bệnh sau vài ngày, nếu được chăm sóc tốt ngay từ đầu.

Nếu trẻ có biểu hiện sốt thì không nên ủ trẻ quá ấm, dùng nước ấm chườm vào nách, cổ, bẹn cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho uống Paracetamol để hạ sốt theo liều lượng phù hợp với trọng lượng cơ thể.

Đối với trường hợp đã có biến chứng gây bít tắc đường thở, trẻ có biểu hiện thở mệt nhọc, ăn uống kém, nôn trớ nhiều, hoặc sốt cao mà dùng hạ sốt không giảm thì cần đưa ngay đến bệnh viện khám để được điều trị thích hợp. Đối với trẻ đã bị bội nhiễm gây sốt, đờm dãi đậm đặc, thì bác sỹ sẽ có chỉ định dùng kháng sinh.

Nếu trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, biểu hiện là cánh mũi thở phập phồng, thở mạnh khiến bụng hóp sâu, nhịp thở lên đến hơn 50-70 lần/phút thì nhất thiết phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

Bệnh rất dễ nhầm lần

Viêm tiểu phế quản là bệnh rất dễ nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp khác. Vì trẻ thường có các biểu hiện như ho, ngạt mũi, xổ mũi, hắt hơi…Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở viêm tiểu phế quản là đi kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, xổ mũi nước trong, trẻ thường không bị sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Ngay cả trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cũng như vậy.

Trẻ có thể bị ho ngày càng nặng và xuất hiện thở khò khè, nhất là về nửa đêm, gần sáng. Khi bệnh bùng phát, cơn ho tăng và trẻ càng khó thở, kèm theo biểu hiện kém ăn, hay nôn trớ. Khi bệnh nặng hơn, trẻ có dấu hiệu thở hổn hển, ăn kém và tỏ ra rất mệt mỏi, không muốn nói chuyện, chơi đùa.

Cách phòng tránh

Cách tốt nhất là chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh mũi, họng, cơ thể sạch sẽ cho trẻ hàng ngày; vệ sinh chăn ga, gối đệm, đảm bảo phòng ngủ thông thoáng; người lớn không hút thuốc trong nhà; rửa tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn; tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp trong gia đình hoặc xung quanh.

Minh Thúy



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]