Thực hành chẩn đoán và điều trị zona

15.6004

Bệnh zona (shingles) hay còn gọi là bệnh herpes zoster, là một bệnh do nhiễm virus, gây ra do chính loại virus gây bệnh thủy đậu, virus varicella-zoster.

Bệnh zona có mức độ phổ biến khá cao. Tại Hoa Kỳ, khoảng 20% dân số mắc bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời, và mỗi năm đều có khoảng nửa triệu người mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi và thường gặp hơn ở những người bị tổn thương hoặc suy yếu hệ miễn dịch.

Nguyên nhân

Nguyên nhân trực tiếp là do virus varicella-zoster, nhưng cơ chế gây bệnh đến nay vẫn chưa được hoàn toàn làm rõ. Lý thuyết được chấp nhận hiện nay cho rằng sau khi mắc bệnh thủy đậu, virus varicella-zoster xâm nhập vào các mô thần kinh ở một trong 2 bên của cột sống. Vì lý do này mà bệnh zona luôn phát triển ở một bên cơ thể. Virus cư trú trong các mô thần kinh nhiều năm dưới sự khống chế của hệ miễn dịch cơ thể. Khi có một lý do nào đó làm cho hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, chẳng hạn như tuổi già, bệnh tật, thương tổn... virus sẽ bắt đầu hoạt động và gây viêm các tế bào thần kinh. Các mụn nước sẽ bắt đầu phát triển trên vùng da nằm ngay bên trên các tế bào thần kinh bị viêm, tạo thành hiện tượng ban zona đặc trưng của bệnh này.

Ban zona thường tự khỏi sau vài tuần, không có biến chứng gì. Khoảng 50% số người bị bệnh zona sau tuổi 60 có thể bị đau và dễ kích thích ở vùng da bị bệnh, kéo dài đến 6 tháng.

Một lần nổi ban zona có thể tạo khả năng miễn dịch suốt đời đối với bệnh này.

Các biến chứng có thể gặp

Nhiễm khuẩn thứ phát trên da, thường là do các mụn nước bị cào gãi trầy xước, với các mảng da tróc vàng hay đóng vảy.

Chứng đau dây thần kinh kéo dài sau khi ban đã dứt, thường gặp ở người lớn tuổi.

Chẩn đoán

Ban đầu, người bệnh thấy ngứa râm ran, hoặc có thể là cảm giác đau rát ở vùng bị bệnh. Trong vòng 24 giờ sau đó, tại đây sẽ nổi lên hàng loạt mụn rộp. Ban đầu thường chỉ là những mụn nhỏ màu đỏ, sau đó trở thành sẩn ngứa, rồi bọng nước, và dần dần phát triển thành mụn mủ, đóng vảy cứng, và cuối cùng thành sẹo.

Ban zona thường chỉ xuất hiện về một bên của thân hình, thường gặp nhất là những vùng lan rộng từ nửa trên của cột sống cho đến lồng ngực, nhưng các vùng da ở mặt, ở bụng và tay chân đôi khi cũng chịu ảnh hưởng.

Điều trị

Thường dùng thuốc giảm đau để làm giảm nhẹ triệu chứng.

Khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn thứ phát, điều trị bằng thuốc mỡ hoặc kem có chứa kháng sinh bôi trên da, hoặc dùng viên uống flucloxacillin 250mg mỗi ngày 4 lần.

Để điều trị đau dây thần kinh sau khi ban đã dứt, dùng amitriptylin 25mg vào mỗi buổi tối, tăng liều đến 25mg mỗi ngày 3 lần đối với các bệnh nhân trẻ tuổi. Cũng có thể thay bằng carbamazepin 100mg mỗi ngày, có thể tăng liều đến 100mg, mỗi ngày 4 lần. Đã  có  chứng  cứ  cho  thấy  những  cơn  đau  gây ra do bệnh zona có thể được giảm nhẹ khi dùng valaciclovir dạng viên uống với liều 1g, mỗi ngày 3 lần, liên tục trong 7 ngày ở các bệnh nhân trên 50 tuổi, trong vòng 72 giờ ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Nếu vùng ban zona liên quan đến mắt, nên chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra. Nếu các vùng ban lan rộng nhanh chóng, nên đề nghị bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]