Thuốc giả, hiệu quả thật

Thuật ngữ placebo có trong từ điển y học 1894, để chỉ giả dược (thuốc vờ) giống hệt thuốc thật song không chứa hoạt chất chữa bệnh. Placebo làm người bệnh có niềm tin là dùng "thuốc thật" nên từ 1785 được định nghĩa là thuốc gây niềm tin (make-believe medicine).

15.5981

(SKDS) - Thuật ngữ placebo có trong từ điển y học 1894, để chỉ giả dược (thuốc vờ) giống hệt thuốc thật song không chứa hoạt chất chữa bệnh. Placebo làm người bệnh có niềm tin là dùng "thuốc thật" nên từ 1785 được định nghĩa là thuốc gây niềm tin (make-believe medicine). Sau này placebo còn mở rộng, bao gồm cả những điều tạo niềm tin như uy tín, thái độ tận tình, sự khích lệ của thầy thuốc, gọi chung là hiệu ứng plaebo.

Những thử nghiệm lạ lùng, đem lại kết quả bất ngờ!

Khoảng 40 năm trước, BS. Kenneth B. Thomas (Anh) đã làm một thử nghiệm trên 200 người có đặc tính chung là không hề có bất cứ một triệu chứng bất thường nào về thực thể, song họ cảm thấy người không được khỏe, tâm trạng chán nản, người Anh đã ví von là "under the weather". Ông chia họ thành: nhóm 1 thông báo cho biết đã chẩn đoán được bệnh, chỉ cần điều trị thời gian ngắn là khỏi (khích lệ, hứa hẹn); nhóm 2 thông báo cho biết là không chẩn đoán ra bệnh, không chắc chắn bao giờ bệnh sẽ được chữa khỏi (không khích lệ, hứa hẹn). Kết quả 2 tuần sau, nhóm 1 có 64% khỏi bệnh trong khi tỷ lệ này ở nhóm 2 chỉ là 39%. Thập niên 60, các thầy thuốc lâm sàng nhận thấy dùng liệu pháp cắt bỏ hạch động mạch cảnh dự phòng hen, dùng chloroform trị herpes có hiệu quả tới 70%. Thế nhưng, các nghiên cứu thực nghiệm sau đó của ĐH San Diego (Mỹ) chứng minh các liệu pháp trên không hề có giá trị ấy. Vậy lý do gì làm cho những người trên khỏi bệnh?

Một nghiên cứu sau đó không lâu đăng trên tạp chí Journal of Psychology to Clinical cho hay: 7.000 người bệnh tham gia thử nghiệm 5 liệu pháp điều trị mới (về herpes, hen suyễn, đau do viêm dạ dày) thì có 70% đạt hiệu quả tốt và rất tốt nhưng kỳ lạ là trong số những người đạt kết quả này thì số dùng "thuốc thật" và số dùng "giả dược" lại đạt kết quả tương đương nhau. Tháng 1/ 2011 tờ "Medical Juornal of Australia" công bố một nghiên cứu điều trị chứng khó chịu do mãn kinh (nóng bừng mặt, khô âm hộ) trên 55 nữ. Nhóm 1 (28 người) dùng các thảo dược có tính năng chữa bệnh (thuốc thật); nhóm 2 (27 người) dùng cây cỏ không có tính năng chữa bệnh (giả dược) và người bệnh trong cả 2 nhóm không biết mình dùng thuốc gì (làm mù).
 
Sau 12 tuần điều trị, nhóm 1 (dùng thuốc thật) chỉ có 15% giảm triệu chứng khó chịu do mãn kinh trong khi nhóm 2 (dùng giả dược) thì tỷ lệ này lại đạt tới 31%. Và mới đây nhất, tờ Annals of Internal Medicine đăng nghiên cứu của ĐH Maryland (Mỹ) phân tích 11 thử nghiệm dùng "xúc giác trị liệu" (therapeutic touch), tức là điều trị bằng năng lượng (energy therapy) lấy từ sinh trường (biofields), điện từ trường (electromagnetic field); Kết quả: 7 thử nghiệm có hiệu quả và hiệu quả thường thấy ở bệnh tim giảm độ đau đớn, bớt băn khoăn; bị chấn thương lành nhanh hơn; bệnh xương khớp giảm đau, vận động tốt hơn; bị bỏng ít đau hơn.
 Sự quan tâm, chăm sóc tận tình của thầy thuốc sẽ giúp người bệnh có niềm tin khỏi bệnh.

Vì sao placebo có hiệu ứng chữa bệnh?

Từ xa xưa, Đức Phật Thích Ca (560 - 480 trước CN ) nói "Tất cả đều từ tâm trí mà ra". Gần hơn, Decartes (1596-1650 sau CN) cũng bảo: "Nghĩ sao là có vậy". Minh triết của các bậc vĩ nhân xưa cũng rất sát với ý niệm y học hiện đại: tác động của thần kinh (tích cực hay tiêu cực) quyết định mọi trạng thái tương ứng của cơ thể (khỏe mạnh hay bệnh tật). Đầu thế kỷ 20, nhà sinh lý Pavlov chứng minh sự hiện hữu của "phản xạ có điều kiện". Theo đó, động vật, con người có thể "ghi nhớ" các tình huống xảy ra trước đó (có điều kiện) để về sau điều chỉnh các chức năng khác trong cơ thể khi tình huống như thế lặp lại. Từ các hiểu biết trên, các nhà khoa học đưa ra 3 giả thuyết giải thích hiệu ứng placebo:

Thuyết thói quen: Lần trước được điều trị trong môi trường y khoa tốt (thầy thuốc chu đáo tận tụy, thuốc men đầy đủ) nên khỏi bệnh. Lần sau đến lại nơi ấy, người bệnh nhớ lại môi trường y khoa cũ mà mình từng thụ hưởng thì cũng sẽ đỡ bệnh.

Thuyết sinh hóa: Khi dùng placebo, người bệnh đinh ninh nghĩ rằng mình đang được thầy thuốc cho "thuốc thật", có niềm tin mình được chữa bệnh... thì thần kinh sẽ hoạt động kết hợp với nội tiết tạo ra endorphin nội sinh làm giảm đau, đỡ bệnh.

Thuyết nâng đỡ: Người bệnh ở trong trạng thái căng thẳng về bệnh tật. Cho dùng placebo (khích lệ, hứa hẹn) thì họ đinh ninh rằng mình đang được điều trị với thầy tốt thuốc tốt, cảm giác được nâng đỡ ấy từ thần kinh sẽ khởi động các hoạt động các cơ phận theo hướng giải tỏa căng thẳng, dẫn tới đỡ bệnh.

Dù diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng các thuyết trên đều có một quan niệm thống nhất, đó là hiệu ứng placebo là có thật nhưng không phải là do tác động trực tiếp của placebo lên các yếu tố gây bệnh mà do placebo tạo ra niềm tin, niềm tin đó có từ thần kinh trung ương sẽ tác động làm cho các cơ phận khác hoạt động theo hướng tích cực dẫn tới đỡ bệnh. Tuy nhiên, những lý giải vẫn chỉ là giả thuyết và chưa được chứng minh bằng khoa học.
DSCKII. Bùi Văn Uy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]