Tôi đề nghị hai cách làm

Cần làm rõ ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục và vốn vay nước ngoài được sử dụng ra sao

15.5893
Tăng lương cho các thầy cô là đúng đạo lý. như Quản Trọng, tể tướng nước Tề, nói: “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân” (Kế sách trăm năm không gì bằng trồng người). Bác Hồ nói: “... Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đảng nói: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đầu tư cho giáo dục là lãi nhất trong các loại đầu tư. Người làm ra “cái lợi 100 năm” đó là giáo viên. Vậy tăng lương cho giáo viên là “để tăng lợi nhuận”. Thế nhưng nền kinh tế còn thấp, tổng thu nhập quốc dân còn nhỏ bé, 80% dân còn nghèo, vậy lấy tiền đâu? Có hai cách: Một là, làm rõ việc sử dụng ngân sách cho giáo dục đã tiết kiệm chưa. Ví dụ: Ngân sách giáo dục 2001 là 15.607 tỉ đồng, năm 2005 là 41.630 tỉ đồng, nhưng học sinh - sinh viên chỉ tăng 400.000 em. Vậy ngân sách sử dụng ra sao? Cần làm rõ tốn kém cho việc thay đổi sách giáo khoa. Tốn 4.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2001-2010 nhưng chất lượng sách “thừa lý thuyết, thiếu kiến thức ứng dụng” (Báo SGGP, 31-5-2006). Mỗi năm nhà xuất bản in và thu tiền bán sách khoảng 1.600 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD? (Báo Pháp Luật TPHCM 27-10-2006). Hiện nay Bộ GD-ĐT đang quản lý 77 dự án vốn ODA với 1,109 tỉ USD và đã ký kết 49 dự án với vốn 500 triệu USD nữa. 77 dự án này chi cho việc nghiên cứu “khó hiểu” như đổi mới giảng dạy THCS 1 và THCS 2, rồi cải tiến chương trình THCS, đổi mới chất lượng ĐH với giá 103,7 triệu USD, dự án phát triển giáo dục tiểu học cho trẻ em vùng khó khăn 244 triệu USD... Đặc biệt dự án thiết bị dạy học 14.000 tỉ đồng/năm đang bị phê phán thất thoát hàng trăm tỉ đồng... (Báo Pháp Luật TPHCM 27-10-2006). Cũng cần làm rõ ý kiến ông Vũ Quang Việt, chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc, gửi đến VNN: VN dùng 62,3% ngân sách giáo dục cho lương giáo viên. Cụ thể như năm 2002 mỗi giáo viên là 21,4 triệu đồng nhưng giáo viên chỉ lãnh có 9,4 triệu đồng/năm; năm 2003 là 21,4 triệu chỉ lãnh 12,2 triệu; năm 2004 là 30,7 triệu chỉ lãnh 13,97 triệu; năm 2005 là 38,5 triệu, chưa biết lãnh bao nhiêu? Vậy 50% ngân sách giáo dục chi cho lương chạy đi đâu? Phải làm rõ ngân sách sử dụng hợp lý chưa, để biết ngân sách bảo đảm đến mức nào cho lương của giáo viên... Hai là, xã hội hóa giáo dục. Có thể bước đầu tiên xã hội hóa THPT, CĐ và ĐH. Số sinh viên khó khăn Nhà nước cho vay để học, sau ra đi làm trả lại. Hiện nay, trong chi phí đào tạo mỗi sinh viên công lập Nhà nước chịu 70%, còn người học chịu 30% (Tuổi Trẻ chủ nhật, 2-10-2005).

Nước nghèo mà hằng năm có đến 22 triệu học sinh, sinh viên là niềm tự hào, nhưng ngân sách không chịu nổi và chất lượng học không cao. Tất nhiên khi xã hội hóa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ với các đối tượng khó khăn, diện chính sách.

Quốc Khánh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]