Trẻ em cũng bị cao huyết áp

Lâu nay, nhiều người tưởng bệnh cao huyết áp chỉ có ở người lớn. Nhưng trên thực tế, tình trạng trẻ bị cao huyết áp đến khám và điều trị tăng mạnh.

0

Nhiều phụ huynh mù tịt và nghĩ rằng, trẻ đang bị bệnh giả vờ… và hậu quả để lại rất nghiêm trọng.

Điển hình nhất là một trường hợp bệnh nhi vừa được phát hiện tại BV Nhi Đồng 2, tên là N.T.H - 6 tuổi, nhà ở Nguyễn Văn Linh, quận 7. Trước đó, mỗi khi bố mẹ yêu cầu ngồi vào bàn học là H than nhức đầu. Bố mẹ tưởng con mình làm biếng học, giả vờ nên cố ép và la mắng. Đến khi H đang ngồi học bỗng bất tỉnh, ngã xuống đất và được gia đình đưa đến cấp cứu tại BV thì mới phát hiện ra, bé đã bị cao huyết áp từ lâu.


Trẻ em thừa cân cần kiểm tra huyết áp định kỳ từ lúc 3 tuổi (ảnh minh hoạ). Ảnh: V.T

Một trường hợp khác, đó là bé L.T.L.H - 4 tuổi, trú tại phường Tân Định, quận 1 - hơi bị béo phì, thường xuyên bị nôn trớ, nhức đầu, đỏ mặt, chóng mặt. Cô giáo và gia đình tưởng bé bị sốt hoặc dị ứng nên chủ quan không có điều trị kịp thời. Đến khi thấy con hay vỗ vào đầu do nhức, gia đình đưa đi khám tại BV quận 1 thì mới phát hiện ra bé đã bị huyết áp cao.

BS Nguyễn Minh Tiến - Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1, TPHCM - cho biết, trẻ em bị cao huyết áp thường có tỉ lệ ít hơn so với người lớn. Hằng năm, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 100 lượt bệnh nhi nhập viện vì cao huyết áp.
 
Trẻ nhập viện chủ yếu còn kèm các bệnh tim mạch: Hẹp eo động mạch chủ, viêm động mạch Takayasu; bệnh lý thận: Hẹp động mạch thận, viêm vi cầu thận cấp, hội chứng thận hư, nhiễm trùng tiểu tái phát; bệnh lý nội tiết như hội chứng Cushing, u tủy thượng thận, u não gây tăng áp lực nội sọ đưa đến cao huyết áp. Ngoài ra, còn có một số trường hợp không tìm được nguyên nhân (còn gọi là cao huyết áp nguyên).

Điều đáng nói, phần lớn các trường hợp cao huyết áp đều nằm ở trẻ em thừa cần, béo phì. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm do trẻ nhập viện muộn, vì hầu hết phụ huynh thường không nghĩ đến.

BS Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - cho biết, biểu hiện rõ nhất của trẻ bị cao huyết áp có thể nhức đầu ở trán hoặc sau ót, đau gáy vào buổi sáng, chóng mặt, mệt mỏi, đỏ mặt, chảy máu cam, yếu liệt tay chân từ vài giây đến vài phút, có thể gây co giật, tai biến mạch máu não, suy tim tiến triển, ngất xỉu...
 
Cách phòng ngừa cao huyết áp cho trẻ duy nhất hiện nay là phòng ngừa các nguyên nhân có thể đưa đến cao huyết áp cho trẻ như vệ sinh đường tiết niệu sinh dục sạch sẽ, điều trị triệt để nhiễm trùng tiểu, tránh ăn mặn, dinh dưỡng cho trẻ cần hợp lý để tránh bị dư cân, béo phì.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cho trẻ kiểm tra huyết áp định kỳ từ 3 tuổi trở lên. Trẻ béo phì cần kiểm tra mỡ máu, đường máu và chỉ số BMI. Không cho trẻ ăn mặn, vận động cơ thể thường xuyên, dùng thuốc đúng chỉ định của BS, phòng ngừa và điều trị sớm nhiễm trùng tiểu... Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ như tập thể dục, vui chơi hoạt động, tránh thụ động như ngồi quá lâu trước màn hình máy vi tính, chơi game, xem tivi và kể cả đọc sách.

AloBacsi.vn
Theo Võ Tuấn - Lao động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]