Từ ga xép đến cầu Ghềnh, tôi mơ một giấc mơ...

(VTC News) - Con tàu nhọc nhằn lăn bánh rời sân ga. Cái ga của một tỉnh lẻ ngày đầu năm. Sự uể oải lộ rõ từ những vòng quay của đôi hàng bánh sắt.

15.5794

 

Hành khách trên tàu chợt bừng tỉnh, xôn xao trước cái tin dữ từ chuyến tàu SE2 chiều mồng 4 tết. Sự thảm khốc không đến từ con số lạnh lùng các nạn nhân mà từ tính chất của sự việc. Ngày đầu năm, trong vô vàn những điều vui vẫn còn không ít những sự buồn.

 

Sau phút bàng hoàng, sự ồn ã trên toa tàu bỗng chùng hẳn xuống. Im lặng.

 

 

Sự việc kinh hoàng ấy sẽ là nỗi đau vô cùng cho rất nhiều gia đình khác nữa. Chỉ có sự may mắn mới không đem đến thảm kịch dữ dội hơn trên cây cầu chung cho mọi phương tiện lưu thông. Mức độ chỉ vài người chết và vài chục người bị thương chắc làm nhiều người đỡ day dứt phần nào. Cũng như quá nhiều điều bất cập còn đang tồn tại, rồi sự việc cũng sẽ trôi đi, như mỗi ngày trên cái đất nước nhỏ bé này có tới hơn 30 mạng người mất đi do tai nạn giao thông. Chuyện không nhỏ, nhưng là thường nhật nên hình như không lớn nữa.

 

Hãy nghe những bản tin chiến sự ở Iraq, ở Afghanistan, con số năm, bảy người chết trong những cuộc đánh bom đã là sự kiện lớn trên các hãng truyền thông tầm cỡ thế giới, mới thấy sự thảm khốc của tình hình tai nạn giao thông ở nước ta. Bên cạnh ý thức của người dân, mà xuất phát cũng từ sự giáo dục, phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thật sự quan tâm đến giải pháp khắc phục. Phải chi… Nếu từ lâu rồi chúng ta nói về đường sắt cao tốc – chuyện bàn cãi cho tương lai – hãy để tâm hơn đến cái trước mắt, mà chắc chắn chi phí dù cao đến mấy vẫn trong tầm tay của mình.

 

Tôi là người sống ở Tp.HCM, cứ mỗi lần phải qua đường Bạch Đằng, đoạn có con đường sắt băng ngang qua với hàng trăm người chen lấn giờ cao điểm, là một lần lo lắng. Cái bất chợt như chiều định mệnh của những con người xấu số trên cầu Ghềnh – Biên Hòa, nếu xảy ra thì sẽ ra sao? Trách nhiệm của những người gác barie, của lái tàu, của ngành đường sắt? Hay của bản thân những con người xấu số? Cây cầu của hàng trăm năm, thuở các thành phố còn là nơi hoang vắng giờ vẫn tồn tại. Sự vô lý cứ ngự trị mãi, tự nhiên không ai nghĩ đó là điều bất hợp lý. Một ông trung niên “hai lúa” Bắc bộ cắc cớ nói ra cái điều vô lý đã thành không vô lý đó, làm nên cuộc tranh luận của những con người chân đất.

 

Giật mình mới thấy cái sự thờ ơ vốn từ lâu vẫn ẩn nấp trong mỗi chúng ta. Một con đò ngang bị lật, cướp đi bao mạng sống của các em học sinh, một sợi dây “tử thần” đánh đu qua sông cùng số phận, những cây cầu, những giao lộ huyết mạch chung cho vô vàn phương tiện, vẫn phó mặc cho sự rủi ro…, ấy là những cái mà không ai dám đảm bảo mức độ an toàn tối ưu nhất. Để thay đổi chúng có khó quá không, để đến nỗi khi xảy ra sự việc, người ta mới nói đến “đã dự tính triển khai” rồi!

 

Con tàu vẫn nặng nề lao về phía trước. Tôi mơ tới tương lai vài chục năm sau những người khách nông dân trên con tàu này sẽ được ngồi trên con tàu cao tốc. Nhưng có lẽ ngay hôm nay, họ cần hơn một cuộc sống được an toàn, đỡ nhọc nhằn mỗi khi cần phải nhờ vả đến “nhà tàu”. Phải chi…

 

Việc dự báo sự phát triển được gắn kèm quy hoạch cho sự phát triển đó. Chúng ta dường như luôn luôn chạy theo các sự kiện.

 

Ga xép. Ga của số đông những người dân sẽ còn cần tới con tàu, dù nó không thể cần cho những con tàu cao tốc.


Vũ Thảo Nguyên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]