Lúc trước đến Sài Gòn chơi, sẵn tiện ông siêu âm cổ, kết quả cho biết bị hạch cổ. Hôm nay, cũng đi Sài Gòn thăm bạn, sẵn ông ghé đây tầm soát cho chắc ăn.

“Khi biết có hạch ở cổ tui cũng lo lắm chứ, sợ có ung thư. Nhưng tui cũng có chút niềm tin là thấy trong người bình thường, không có triệu chứng gì bất thường, tui vẫn ăn uống, thậm chí nhậu nhẹt cũng rất tốt”, ông Phương bộc bạch.

Tuy nhiên, trong lúc ngồi chờ kết quả siêu âm cổ, ông Phương tỏ ra khá sốt ruột, chạy tới chạy lui, khi nghe chị điều dưỡng gọi tên vào lấy kết quả ông cố tỏ ra vẻ bình thản dồn sức để lấy sự tự tin. Và rồi cuối cùng ông cũng đã thở phào nhẹ nhỏm, khi biết kết quả, ông chỉ bị hạch mà thôi.

Tầm soát sớm để chữa khỏi khi mới mắc
Bác sĩ Minh nói ông mừng vì gần đây những người trong độ tuổi từ 40 trở lên đã đi tầm soát ung thư định kỳ ngày càng nhiều. Gần 2 năm bệnh viện ung bướu thành lập đơn vị tầm soát ung thư, năm 2012 chỉ khoảng 1.600 lượt tầm soát nhưng chỉ từ đầu năm 2013 đến nay đã có trên 3.600 lượt người đến tầm soát ung thư.

Ngay cả những người không có dấu hiệu bất thường trong cơ thể cũng đến tầm soát ung thư. Những trường hợp này các bác sĩ tiến hành khám lâm sàng và cho xét nghiệm cận lâm sàng, tùy theo trường hợp có bệnh hay không sẽ tiến hành các xét nghiệm khác.

“Những người sau 40 tuổi, dù có dấu hiệu bất thường hay không bất thường ở cơ thể cũng nên đi tầm soát định kỳ mỗi năm từ 1 đến 2 lần nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư nếu có, giúp công tác điều trị được dễ dàng”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

“Nhiều người vẫn cứ coi ung thư nào cũng không trị khỏi. Đợi đến lúc trễ thành nan y, không trị được”, giáo sư bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng lý giải lý do phải săn lùng ung thư từ sớm.
Tâm trạng khá căng thẳng trước khu tầm soát ung thư tại Bệnh viện ung bướu TP.HCM.
(Ảnh: Hồ Quang)
 

5 loại ung thư thường gặp ở tuổi 40-65

Theo bác sĩ Minh, độ tuổi mắc bệnh ung thư nhiều nhất là từ 40 tuổi trở lên. Đến 80 tuổi mới được xem là hết nguy cơ.

Trong đó, từ 40 đến 65 tuổi, y học đã xác định được 5 loại ung thư nhiều nhất, ở cả nam và nữ.

Ở đàn ông tuổi này, nên tầm soát 5 loại ung thư dẫn đầu: phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và vòm hầu.

Nữ giới tuổi này cũng thường gặp nhóm 5 hàng đầu: ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.

Từ 60 tuổi trở đi, ở cả 2 giới, ung thư tuyến giáp lọt ra ngoài top 5.

“Sau 65 tuổi, ung thư phổi, gan, đại trực tràng xuất hiện nhiều nhất, cả hai giới. Nhưng phụ nữ tuổi này giảm nguy cơ ung thư vú”, bác sĩ Minh nói.

Vì sao người lớn ung thư nhiều hơn trẻ con?

Theo các bác sĩ tại hội thảo về ung thư hôm 5.12, tại TP. HCM, có nhiều nguyên nhân gây ung thư, bao gồm nguyên nhân “nội sinh” và “ngoại lực”. Chẳng hạn như yếu tố di truyền, nguồn nội sinh có nguy cơ đối với trẻ em.

Điều đáng tiếc, nhiều nguyên nhân từ lối sống lại đem ung thư đến với người trung niên. Thật ra, ngay từ thời trai trẻ mầm mống ung thư đã hàng ngày đi vào cơ thể, ẩn nấp, mai phục cho đến khi cơ thể trung niên yếu đi, nó tuyên chiến.

Nhiều tác nhân như uống bia rượu, hút thuốc lá, ăn quá nhiều chất béo, thiếu chất sơ, thiếu vận động, môi trường ô nhiễm…, bác sĩ Minh liệt kê.

Do nhóm này có một thời gian tiếp xúc với những tác nhân sinh ung dài hơn nhóm trẻ, nên tỉ lệ ung thư cao hơn.

“Ung thư không xảy ra ngày một ngày hai. Những tác nhân sinh ung kể trên phải 5 năm hay 10 năm, thậm chí là 20 năm, mới gây ra bệnh ung thư. Đến khi bước vào độ tuổi trên, bệnh ung thư mới bắt đầu phát lộ”, bác sĩ Minh nói.

Y học dân tộc cũng có cách lý giải tương tự về nguyên nhân người lớn ung thư nhiều hơn trẻ em. Theo đó, các yếu tố bên ngoài (ngoại nhân) gây ung thư bao gồm ánh tia nắng mặt trời, vi trùng, vi rút, hóa chất, chất phóng xạ, ăn uống nhiễm độc chất như thuốc trừ sâu, chất phụ gia, chất bảo quản thục phẩm. Sống càng lâu thì tích tụ càng nhiều.

Trong khi đó, nội nhân (nguyên nhân bên trong) gồm các rối loạn tình chí - cảm xúc - tâm lý chủ yếu là lo, buồn, giận, sợ một cách thái quá và kéo dài liên tục. Theo một lý giải của thạc sĩ, bác sĩ Quan Vân Hùng, Viện y dược học dân tộc (TP. HCM), người lớn lại phải đè nén, cầm nín những cảm xúc đó - nuốt giận, giấu buồn, không dám thổ lộ nỗi lo sợ. Những điều này làm chính khí suy, sức khỏe suy kém, suy giảm hệ miễn dịch. Trẻ em ít vướng điều này hơn.

Nội nhân là nguyên nhân gây bệnh chính vì chỉ khi hệ miễn dịch suy kém thì các yếu tố gây bênh (ngoại nhân) mới có thể xâm nhập tấn công cơ thể và gây bệnh (Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư), theo bác sĩ Hùng.

Ông so sánh với quan điểm y học hiện đại, chính tình trạng stress liên tục làm tinh thần bất an, căng thẳng luôn luôn lo, buồn, giận, sợ. Chúng làm gia tăng các chất như Cathecholamine, Glucocorticoid (Cortisol) làm suy giảm miễn dịch. Chính tình trạng suy giảm miễn dịch là điều kiện làm xuất hiện và phát triển bệnh tật trong đó có ung thư.

Vì vậy ai cũng nên lên kế hoạch săn lùng ung thư. Vì, ung thư có thể ngừa và giảm, Tầm soát sớm để điều trị hết bệnh – không hẳn cứ ung thư là hết như nhiều người đã tin. Đó là nội dung trong các kỳ sau.

Hồ Quang - Mai Tân