Họ bơm vào mông, cằm, má, mắt, ngực bằng silicon lỏng và bị biến chứng. Hậu quả ở những ca nặng là biến dạng vùng ngực, mông hoặc bị rò rỉ chất lỏng gây viêm loét, thậm chí tử vong.

Tập luyện là cách tốt nhất để có một thân hình đẹp, khỏe mạnh.

Theo PGS – BS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật – Tạo hình, Bệnh viện Saint Paul: Chi phí cho các ca bơm silicon lỏng hiện rất đắt, khoảng 30-40 triệu đồng/ca. Chất liệu silicon lỏng thường được nhập từ Trung Quốc. Biến chứng do bơm silicon lỏng gây ra: Viêm tấy, nhiễm trùng, tạo ổ ápxe ở vùng bơm silicon lỏng, lâu dài có khả năng biến dạng với hình thể rất xấu.

Chưa kể, việc bơm như vậy có thể làm lây nhiễm HIV, lây bệnh viêm gan và nhiều bệnh lý lây truyền khác qua đường tiêm chích. Nếu bơm silicon qua dịch vụ dạo thì người tiêm còn không hiểu biết về chuyên môn y tế, không có ý thức vô trùng... Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bị tử vong do biến chứng bơm silicon lỏng gần đây.

Đó chính là trường hợp của bệnh nhân N.Q.T (20 tuổi, ở An Giang) đã bị tắc phổi và tử vong. Sau khi tự tiêm 250ml  silicon lỏng vào mông, chị T đã phải vào cấp cứu tại BV cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) bởi dị ứng tại chỗ, sưng tấy, khó thở.

Do bị biến chứng thuyên tắc phổi nên dù bác sĩ đã cấp cứu và phẫu thuật  cũng không cứu được mạng sống cho chị T. Trước đó còn có trường hợp một phụ nữ ở Lào Cai bơm ngực bằng silicon, khi chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai không cứu được và  đã tử vong,

Theo PGS-BS Trần Thiết Sơn, sở dĩ việc tiêm silicon lỏng vào cơ thể nguy hiểm bởi nó  rất dễ vào các mạch máu. Máu nhiễm silicon lỏng chạy vào tim, phổi, thận, mỡ... sẽ gây tắc mạch tại các nơi này. Tỉ lệ bơm silicon bị biến chứng gây tắc phổi rất cao, khoảng từ 20 - 30%. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao. Nếu chạy vào tim sẽ gây tắc mạch máu, gây đột quỵ.

Khi tiêm silicon lỏng vào cơ thể, nó sẽ kích thích các mô xung quanh, gây ra phản ứng viêm tấy liên tục kèm đau nhức vùng tiêm chích. Tình trạng viêm tấy sẽ ngày càng lan rộng ra và dày lên, cứng hơn, tạo ra những cục u. Vùng tiêm chích silicon lỏng có nguy cơ bị hoại tử, loét da do thiếu máu nuôi, chuyển sang màu xanh hoặc đen thẫm gây biến dạng... Khi có các biến chứng này, nếu đến bệnh viện sớm, bệnh nhân sẽ được điều trị được chống nhiễm khuẩn, còn đến muộn sẽ bị cắt bỏ các vùng tiêm silicon để giữ tính mạng.

Từ năm 1992, trên thế giới, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng trong làm thẩm mỹ, bởi nó gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, theo BS Thiết Sơn, ở VN cần cấm sử dụng silicon trong các dịch vụ thẩm mỹ. Tuyệt đối không nên làm đẹp bằng việc tiêm silicon lỏng. Hiện nay có nhiều phương pháp làm đẹp tại các bệnh viện chuyên khoa, chị em phụ nữ nên tìm hiểu thông tin chính thống, để tránh những tai biến đáng tiếc.

Quang Duy