Vancomycin không hẳn là kháng sinh mới

SKĐS - Gần đây, khi đề cập đến sự đề kháng thuốc của vi khuẩn, người ta thường nhắc đến vancomycin. Điều đó khiến không ít người nhầm vancomycin là kháng sinh mới, đa năng, dùng trong nhiều bệnh. Cần tìm hiểu kỹ, dùng hợp lý hơn.

0

Vancomycin là kháng sinh có cấu trúc glucopeptid phân lập năm 1953 từ Actinobacteria orientalis, có tác dụng trên vi khuẩn Gram (+). Penicillin và các thế hệ “con cháu” cũng có tác dụng này nên sự có mặt vancomycin lúc bấy giờ chỉ như một “sự góp mặt” vào đội ngũ kháng sinh, chứ không có gì nổi bật. Tuy nhiên ít lâu sau, penicilin và các thế hệ “con cháu” do dùng nhiều và do bị lạm dụng nên bị vi khuẩn đề kháng nhiều. Trong khi đó, vancomycin chỉ dùng đường tiêm trong nội viện nên ít bị vi khuẩn đề kháng. Từ đó, người ta đưa ra lời khuyên nên dùng vancomycin khi các kháng sinh khác không đáp ứng, vai trò của vancomycin theo đó được nâng lên.

Với sự xuất hiện các vi khuẩn siêu kháng, các nhà khoa học thử khai thác lại “tính ít bị đề kháng” với hy vọng dùng chống lại các vi khuẩn này nhưng kết quả không như mong đợi: từ thập nên 1990, vancomycin được dùng rộng rãi, bị lạm dụng nhiều nên cũng bị các vi khuẩn đề kháng. Người ta bắt buộc thay thế vị trí của nó bằng các kháng sinh ít bị vi khuẩn đề kháng hơn như: daptomycin, linezolid.

 

Cần lưu ý đến các tác dụng không mong muốn

Khi tiêm truyền tĩnh mạch, vancomycin có thể gây sốt, buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, hội chứng “người đỏ bừng” (phát ban, mề đay, ngứa, ban đỏ ở cổ, khó thở); gây đau cục bộ và viêm tĩnh mạch; gây sốc phản vệ; hoại tử biểu bì nhiễm độc, hồng ban đa dạng, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, gần đây còn phát hiện gây giảm tiểu cầu mạnh và xuất huyết, bầm máu, ban xuất huyết ướt. Độc tính với thận và thính giác chưa được chứng minh, song nếu dùng cho người suy thận (độ thải trừ bị giảm) hay dùng chung với aminosid (thuốc có độc tính với thận, thính giác) thì độc tính này của vancomycin thể hiện khá rõ.

Kỹ thuật dùng vacomycin khó: phần lớn dùng dài ngày (như: viêm nội tâm mạc do Staphylococcus phải mất 21 ngày), phải truyền chậm (1g cho người lớn phải mất ít nhất trong 60 phút) phải theo dõi vancomycin máu (bắt buộc khi dùng cho trẻ em).

Vi những lý do nêu trên, FDA chỉ cho phép dùng vancomycin tiêm truyền tại bệnh viện.

Người bệnh không nên tự ý dùng vancomycin uống (vì không có lợi ích) chỉ được dùng vancomycin tiêm truyền theo chỉ định của thầy thuốc tại bệnh viện; không tự ý dùng tại nhà hay tại y tế tuyến dưới (không đủ trình độ và các điều kiện chỉ định, theo dõi khi dùng và cấp cứu).

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Mời xem tiếp bài 2: Vancomycin  dùng đường uống không chữa được bệnh toàn thân vào thứ 7 ngày 27/6/2015.​

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]