Cách phòng ngừa cúm cuối năm

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế Việt Nam, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1.

0
Bên cạnh đó, bệnh cúm mùa cũng bắt đầu “rục rịch” gây bệnh cho nhiều người vào những tháng cuối năm.
 
Cúm vào mùa

Tiết trời cuối năm, khi nhiệt độ “xuống thang”, ánh nắng dịu bớt là thời điểm thích hợp để vi khuẩn cúm tăng nhanh “quân số” và nếu không có biện pháp ngăn ngừa lây lan, chúng sẽ “thừa thắng xông lên”, gây bệnh, thậm chí bùng phát thành dịch.

Cúm mùa lây lan nhanh nhờ sự hỗ trợ từ thời tiết và cả… con người. Hiện nay, không ít người làm việc trong môi trường “kín cổng cao tường”, ánh nắng bị chặn ngay từ cửa kính, rèm cửa. Do trong phòng gắn máy điều hòa nhiệt độ nên không khí được dùng… chung, lại thiếu ánh nắng mặt trời để diệt khuẩn nên chỉ cần một người nhiễm bệnh là virus có cơ hội “mang hia bảy dặm” du lịch miễn phí từ người này sang người kia.
 
Nhiều người phòng bệnh bằng cách đi chích ngừa cúm. Nhưng có ai ngờ, “dòng họ” nhà cúm đông con, đông cháu, chúng lại “kết hôn” tùy tiện nên ngày càng có nhiều chủng mới. Vì vậy, vắc xin ngừa cúm chỉ có giá trị tiêu diệt những “anh chàng” đã từng hoành hành vào mùa trước. Tuy thế, càng nhiều người chích ngừa, một lượng lớn virus được vô hiệu hóa, sẽ khó lây lan. Càng khó lây lan chúng càng khó “kết hôn” để tạo ra chủng mới, khó gây bệnh và tạo thành dịch.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn. Năm nay, tết Tây và tết ta gần nhau, nhu cầu buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng, nếu dịch mới xảy ra với số mắc, tử vong cao, kéo dài sẽ rất nguy hiểm.

Triệu chứng cúm A/H5N1 rất giống cúm A/H1N1 (đều có tổn thương phổi với hội chứng suy hô hấp cấp), nên rất khó phân biệt (bệnh nhân cúm A/H5N1 chủ yếu lây từ gia cầm mắc bệnh, còn bệnh cúm A/H1N1 thì lây từ người bệnh).

Phòng cúm

Theo BS Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bệnh cúm lây qua giọt bắn và tiếp xúc (hôn, sờ, tiếp xúc bàn tay bẩn). Phòng bệnh bằng cách giữ khoảng cách 1m50 khi tiếp xúc, trao đổi, thường xuyên rửa tay sạch. Người mắc bệnh cần nghỉ làm, không tới nơi công cộng để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Để phòng bệnh cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1, cần theo dõi tình hình dịch bệnh, tránh đi vào vùng có dịch. Trong trường hợp bị cúm mà trước đó bảy ngày có đi vào vùng dịch, ăn thịt gia cầm, cần đi đến cơ sở y tế để được điều trị.

Ảnh: SS

BS Nguyễn Đắc Thọ khuyên: “Nếu dùng máy điều hòa, cần vệ sinh máy định kỳ 10 ngày/lần. Khi không sử dụng máy, nên mở cửa đón ánh nắng, tạo điều kiện cho không khí lưu thông, mầm bệnh khó tích tụ cho đủ “quân số” để gây bệnh”.

Để phòng bệnh cúm mùa, cần giữ ấm cơ thể, bởi cúm là bệnh lây lan nhanh khi thời tiết chuyển từ nắng, nóng sang lạnh, ẩm. Cần biết, vi khuẩn tồn tại trong gió, vật dụng, tay nắm cửa. Vì thế, rửa tay là cách tốt nhất “tuyệt giao” với cúm, khi đi chơi xa, nên dùng nước rửa tay sát trùng.
 
Mỗi tối trước khi đi ngủ nên súc miệng bằng nước muối, năng thay bàn chải hoặc phơi bàn chải ra nắng.
 
Để tăng sức đề kháng, cần giữ ấm cơ thể, nên mang theo áo ấm mỗi khi vào phòng có máy lạnh hoặc từ nhà ra đường. Đặc biệt, cần giữ ấm cổ, nên có khăn quàng cổ vào những tháng cuối năm.
 
Với trẻ nhỏ, nên mặc thêm áo yếm bên trong rồi mặc áo bên ngoài (không nên mặc hai áo, bé vừa khó chịu, vừa dễ bị lạnh do vải ngấm mồ hôi). Nên giữ khoảng cách với mọi nguồn lây.
 
Trong trường hợp đã bị cúm, dùng khăn giấy mỗi khi sụt sùi, nhảy mũi, tránh để virus lây qua người thân. Người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, trẻ em nên đi chích ngừa cúm và không đến những nơi đông người, vùng có dịch.
 
“Tăng lực” cho hệ miễn dịch bằng cách dùng các loại thực phẩm chứa vitamin A, C, thức ăn dễ tiêu, ấm nóng. Nên ngủ đủ giấc, không thức khuya, tránh căng thẳng.

Để chủng ngừa cúm cho gia cầm, không nuôi gia cầm trong khu đông dân cư, không tiếp xúc với gia cầm sống. Chỉ mua thịt gia cầm kiểm dịch ở các cửa hàng được bảo quản đúng cách, khi chế biến phải nấu nướng thật chín. Chú ý rửa tay bằng xà bông trước và sau khi chế biến thực phẩm, chế biến gia cầm, trước khi ăn.

Theo Vũ Âu - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]