Chai lì nỗi lo

Từ khi có thông tin về cúm A/H1N1 đến nay, lãnh đạo ngành y tế và chính quyền vài địa phương xuất hiện thường xuyên ở những điểm nóng. Các trung tâm kiểm dịch quốc tế sôi động hẳn. Một số địa phương đã khẩn cấp lập các đội phản ứng nhanh và đề nghị các bệnh viện, trường học chuẩn bị sẵn sàng, cứ như đại dịch đã ở ngay trước mặt.

15.5841

Không hẳn vì chuyện ra quân rầm rộ ấy mà cúm A/H1N1 vẫn chưa hiện diện ở VN, song khí thế cộng hưởng từ nỗi lo của nhiều phía ít ra cũng đã đem lại sự an tâm cho người dân, bớt đi một nỗi lo toan căng thẳng.


Tuy nhiên, từ việc đối phó với cúm A/H1N1 cũng đặt ra một số vấn đề cần suy nghĩ: Việc virus H1N1 được khẳng định là có thể bị tiêu diệt bởi thuốc kháng Tamiflu và Relenza, song hầu hết cơ sở y tế địa phương đều thiếu hoặc có nhưng hết hạn sử dụng; nhiều nơi chỉ có máy thở phục vụ khám - chữa bệnh hằng ngày, nếu có dịch thì không biết lấy đâu ra; 5 tỉnh, TP miền Trung có cửa khẩu nhưng chỉ mỗi Đà Nẵng có một máy đo thân nhiệt; miền Tây Nam Bộ ngoài việc thiếu thuốc, máy thở, xe cứu thương..., hiện rất lo ngại do chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, không giám sát được du khách; Tây Nguyên có 3 cửa khẩu, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao nhưng khả năng kiểm soát rất mỏng… Ngay cả những nơi tập trung đông dân cư như  TPHCM và các địa phương lân cận trong vùng, hiện mới có dự thảo thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp vùng. Đây là những chuyện không hẳn cần đến kinh phí quá tầm của một quốc gia, dù còn nghèo như VN.


Những bất cập nêu trên thể hiện rõ một điều: Trước một nguy cơ dịch bệnh cỡ cúm A/H1N1, chúng ta đã rất lúng túng và bị động. Đâu phải đợi đến lúc cúm A/H1N1 xuất hiện, các biện pháp ứng phó mới được đặt ra; mới nhận thấy là có quá nhiều bất cập, thậm chí chỉ là những điều tối thiểu như việc tập huấn ứng cứu khi có đông người mắc bệnh? Nói đúng hơn, đây chính là những lỗ hổng từ hậu quả của tình trạng chai lì trước những nỗi lo toan. Cuộc đời bớt đi một nỗi lo toan là có thêm một niềm vui, nhưng chai lì cảm xúc lo toan thì nguy cơ mất hết ý thức phòng ngừa, đề kháng.


Phòng bệnh hơn chữa bệnh là nguyên tắc của công tác y tế dự phòng. Song hoạt động y tế dự phòng, hay nói rộng thêm cả việc dự phòng ứng cứu dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, muốn thực sự hiệu quả cần phải luôn được chuẩn bị tốt, huấn luyện thường xuyên. Đừng để đến lúc nước đến chân mới nhảy thì có khi hậu quả đã khôn lường.

Lương Duy Cường
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]