Lão nghệ nhân hơn 60 năm múa lân sư rồng

15.5943

Mỗi đêm diễn múa lân sư rồng cho Trung thu, tiền công chỉ 200.000 đồng nhưng ông Nguyễn Huy Dễ vẫn đam mê bởi như được sống lại ký ức thời thơ ấu.

Ngôi nhà của ông Dễ nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc làng Triều Khúc (Hà Nội) treo đầy đầu sư tử vải và những chiếc mặt nạ hình thù lạ lẫm. Ông cụ râu tóc bạc trắng như cước đang sửa sang lại chúng cho đẹp, chuẩn bị đi biểu diễn dịp Trung thu.

Nhắc đến điệu múa lân sư rồng, ông lão bỗng trở nên hào hứng. Trong ký ức người nghệ nhân già, điệu múa dân gian ấy gắn liền với thời thơ ấu, lúc còn là cậu bé tóc để trái đào. Sang tháng tám Âm lịch, đội múa lân sư rồng làng Triều Khúc bắt đầu biểu diễn từ mùng 10, diễn to nhất là chính rằm. Mỗi khi nghe tiếng trống thùng thình ngoài sân đình là cậu bé bỏ cả cơm để chạy đi xem.

Khi đó, dù chỉ được khiêng trống hoặc phục vụ mũ áo cho người trong đội múa rồng nhưng ông vẫn ham đi. Đối với cậu bé lên 10 ngày ấy, bụng đói hay những trận đòn của bố mẹ cũng không đáng gì so với sức hấp dẫn của những con rồng vờn ngọc hay đàn sư tử đang nhảy cao, trèo cột, lộn nhào...

Ông Dễ sửa sang lại những chiếc đầu sư tử để chuẩn bị múa phục vụ Tết Trung thu. Ảnh: Hoàng Phương.

Năm 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Huy Dễ đã đứng trong hàng ngũ những người múa rồng có tiếng của làng Triều Khúc, rồi trở thành đội trưởng đội múa rồng. Thời kỳ ấy, đội múa rồng của ông là một trong những đội mạnh nhất đất Hà Thành này. "Tổ tiên không ai gắn bó với nghiệp múa sư rồng, chỉ mình tôi ham", ông lão cho hay. Sau năm 1980, ông mới bắt đầu đi múa phục vụ trẻ em vào dịp Trung thu. Trước đó, đội múa rồng của ông chủ yếu phục vụ cho bà con xem vào Tết cổ truyền hoặc hội làng.

Theo ông Dễ, múa sư tử chỉ cần hai người. Múa rồng thì cần nhiều người tập các động tác công phu, phối hợp nhịp nhàng với nhau khi rồng uốn lượn, rồng phóng tới, đảo qua. Ít nhất cũng phải có 6 người, nếu múa đôi thì có cả vài chục người để điều khiển. Hơn 60 năm đi múa lân sư rồng, vai nào ông cũng làm được. Mỗi lần diễn, ông giữ vai trò khác nhau. Có khi là người đánh trống, lúc là người cầm ngọc, có khi lại đội đầu rồng nhảy múa, vờn ngọc theo tiếng trống.

Ông bảo, mỗi điệu múa có cách đánh trống khác nhau. Múa sư tử phải đánh thong thả hơn điệu múa rồng.Trong điệu múa rồng, lúc con rồng bắt đầu đuổi ngọc thì nhịp trống đánh chầm chậm, lúc vồ ngọc thì phải đánh rộn ràng, thúc giục hơn.

Múa rồng không thể thiếu "ngọc". Ngọc là quả bóng được để trong khung sắt, buộc ở cán gậy bằng tre. Đầu gậy treo một quả chuông để khi múa phát ra tiếng. Rồng ở trong đám mây, nghe tiếng kêu sẽ vờn ra đớp ngọc và điệu múa bắt đầu. Những động tác phóng tới, lộn qua đuôi, chạy vòng quanh... thường rất khó thực hiện. Bởi thế, người cầm ngọc cũng phải biết bài để dẫn dắt điệu múa. Mỗi lần giữ ngọc, ông Dễ sẽ mặc quần áo đầy màu sắc, đeo mặt nạ và hóa trang như một cô tiên để tăng sức hấp dẫn cho điệu múa.

Có lần biểu diễn, những cô cậu học sinh nước ngoài thích thú với những con rồng đầy màu sắc và tiếng trống rộn ràng, thích thú xin ông cho đánh trống cùng hay chạy đuổi theo đuôi rồng, rồi đòi cầm ngọc, xin chụp ảnh.

Mỗi đêm diễn, tiền công chỉ hơn 200.000 đồng nhưng ông vẫn ham đi, bởi như được sống lại ký ức thời thơ ấu, lúc bỏ cả cơm để đi xem lân sư rồng. "Múa xong rồi thì đội múa được phá cỗ trông trăng cùng bọn trẻ, vui lắm", lão nghệ nhân cười khà khà.

Đôi rồng gắn bó bới lão nghệ nhân già suốt bao năm qua. Ảnh: Hoàng Phương.

Có thời gian, ông Dễ vừa đi múa, vừa dạy múa, vừa làm đầu rồng và đầu sư tử để bán cho những nơi có nhu cầu. Mỗi khi có khách đặt hàng, ông huy động cả nhà cùng làm. Ông và con trai làm đầu bằng khung tre, con dâu may vải đầy màu sắc để trang trí cho phần thân. Làm cấp tốc thì khoảng một tuần là xong, bán khoảng 3,5 triệu đến 4 triệu đồng một con.

Người con trai út của ông, tên Nguyễn Huy Chiến (35 tuổi), giờ tiếp bước cha, trở thành đội trưởng đội múa rồng của làng Triều Khúc. Những đứa cháu nội mỗi khi thấy ông cha xách đầu rồng, sư tử đi múa cũng háo hức đi theo.Ông khoe mấy đứa cháu đều biết đánh trống, có đứa còn biết múa rồng, múa sư tử. Đứa nào chưa biết múa thì cho đứng xem biểu diễn rồi học dần dần.

Hơn 60 năm gắn bó với những điệu múa lân sư rồng, ông tự nhận đó là cái duyên vận vào người rồi, muốn bỏ cũng không đành. Như thời chiến tranh, điệu múa truyền thống có thời gian bị gián đoạn. Khi hòa bình lập lại, những người trong đội múa không ai bảo ai, lại tìm về, tập hợp và tiếp tục đi múa phục vụ cả người lớn, trẻ em.

Hoàng Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]