Được biết ở cấp độ tế bào, những rối loạn tâm thần như lo lắng bất an là do hoạt tính tăng cao của hạch hạnh nhân. Đây là vùng đóng vai trò then chốt quyết định xúc cảm của con người. Phần lớn các tế bào ở đây đều có cái gọi là kênh nhỏ ion ASIC1a, rất nhạy cảm với axit và phản ứng nhanh với việc thay đổi độ pH ở môi trường xung quanh tế bào.

Theo nhà nghiên cứu Maria Braga và các đồng nghiệp Mỹ, kích hoạt ASIC1a trong một tế bào có thể làm giảm hoạt tính của các tế bào xung quanh và làm giảm được tâm trạng lo lắng bất an của những con chuột thí nghiệm.

Điều đó có nghĩa là, nếu kích hoạt ASIC1a trong các vùng não có liên quan đến cảm giác sợ hãi (chẳng hạn như trong hạch hạnh nhân) thì có thể điều chỉnh được tâm trạng lo lắng bất an.
Các nhà khoa học đã nhúng các tế bào của hạch hạnh nhân vào dung dịch axit và đo các tín hiệu được gửi tới các tế bào bên cạnh. Kết quả cho thấy, khi nồng độ pH của dung dịch giảm thì hoạt tính của các tế bào cũng giảm theo. Còn khi những con chuột trong phòng thí nghiệm được cho dùng thuốc tăng hoạt tính của các kênh ASIC1a, chúng tỏ ra bình tĩnh hơn.

Vũ Ngọc Trâm (theo Neuroscience)