12 Triệu Chứng Của Người Nghiện Công Việc

Làm việc quá sức không chỉ là một thói quen xấu, mà còn là một thói quen nguy hiểm. Những người làm việc không ngừng nghỉ có nguy cơ stress hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe có liên quan. Bạn không biết liệu mình có phải một người nghiện công việc hay không? Hãy đọc kỹ 12 "triệu chứng" cảnh báo dưới đây và nghĩ xem liệu chúng có đúng với bạn hay không.

15.6046

1. Bạn là người đầu tiên có mặt tại Văn phòng

Người nghiện công việc sẽ đánh bại tất cả những nhân viên khác trong “cuộc đua” đến văn phòng vào mỗi sáng vì họ không thể chờ đợi để được làm việc. Họ bị ám ảnh với việc đánh dấu tích vào danh sách những việc cần làm và thanh toán các dự án. Họ không thể để công việc phải chờ đợi. Đừng ngạc nhiên khi họ cũng là những người cuối cùng rời khỏi phòng làm việc vào cuối ngày.

2. Bạn làm việc qua trưa

Những người tham công tiếc việc thường thốt lên: “Ai lại có thời gian cho việc ăn uống khi ngày càng nhiều việc cần phải giải quyết?” Với họ, bữa trưa chỉ là một ít đồ ăn để bên bàn làm việc. "Đồ ăn ư, thôi đi, tôi cần phải thực hiện thêm vài cuộc gọi nữa." – người nghiện việc than thở.

3. Bạn không có thời gian nghỉ ngơi

Người nghiện công việc sẽ không bước ra khỏi bàn làm việc của họ để thư giãn. Họ không giảm stress bằng cách tập yoga hoặc đi bộ một đoạn dài. Họ đến sớm, ở lại muộn, và với sở thích riêng của mình, họ làm việc mọi lúc.

4. Bạn không có những khoảng thời gian riêng tư

Kiểm tra email trước khi đi ngủ, nhận các cuộc gọi trong bữa ăn, lên lịch trình các cuộc họp ở tất cả các giờ trong ngày, những hành động này có quen thuộc với bạn không? Nếu câu trả lời là có thì bạn có thể là người của công việc. Bạn quá dễ tiếp cận. Bạn không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Đây thực sự là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề.

5. Bạn không bao giờ đi nghỉ

Người nghiện công việc không có thời gian cho các kỳ nghỉ - hoặc nếu có,  họ sẽ tiếp tục làm việc trong khi đang đi nghỉ.

6. Bạn không hề làm bất cứ việc gì ngoài công việc

Lần cuối cùng bạn đi chơi với bạn bè và không nói về công việc là khi nào? Bạn có sở thích nào bên ngoài văn phòng không? Nếu không, bạn đang tự hại chính mình. Bạn đang làm việc quá nhiều.

7. Những giấc mơ của bạn liên quan đến công việc

Trong khi tất cả mọi người thỉnh thoảng mới có những giấc mơ liên quan đến công việc thì việc thường xuyên gặp “ác mộng” về những vấn đề trong việc là dấu hiệu đáng quan tâm. Nếu ngay cả trong tiềm thức bạn cũng bị ám ảnh bởi nội dung công việc thì chắc chắn có điều gì đó không ổn rồi.

8. Bạn không ngủ nhiều

Một trí não không được ngủ đủ giấc đồng nghĩa với một cơ thể thiếu ngủ. Làm việc quá nhiều có thể dẫn đến chứng mất ngủ và thiếu ngủ - và điều này theo thời gian sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn nói chung.

9. Bạn ôm đồm mọi việc

Cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng công việc của bạn là uỷ thác, nhưng khi là một người tham công tiếc việc, bạn không muốn giao bất kỳ nhiệm vụ nào vào tay người khác. Thay vào đó, bạn quản lý chi tiết. Bạn lởn vởn quanh các nhân viên hoặc trợ lý của mình, và chỉnh sửa tất cả những điều không được thực hiện theo đúng ý bạn.

10. Bạn dễ bị stress

Sự kết hợp giữa làm việc quá nhiều, ngủ không đủ giấc và không có nơi để thư giãn sẽ trở thành một thảm hoạ. Stress có nhiều biểu hiện khác nhau, từ những trận đau đầu đến tính khí cáu kỉnh, và tất cả những điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới bạn và những người thân thiết nhất.

11. Các mối quan hệ của bạn trở nên khó khăn

Việc làm việc quá nhiều khiến bạn khó có thể giữ những người thân yêu ở cạnh bên. Cũng giống như các dự án cần có thời gian để thực hiện, các mối quan hệ cũng cần có thời gian để nuôi dưỡng và phát triển. Nếu bạn luôn làm việc, những người thân yêu của bạn phải trả giá.

12. Sức khỏe của bạn xấu đi

Rõ ràng, làm việc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng tới cơ thể và trí óc - những vấn đề sức khỏe liên quan đến stress như  trầm cảm, chán nản, lo âu, đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa, hệ thống miễn dịch yếu, và nhiều hơn nữa. Thậm chí, nếu các hậu quả nêu trên không làm bạn nghĩ lại về việc làm việc quá nhiều thì hãy nhớ: Nếu bạn tiếp tục làm tổn hại đến cơ thể của mình, bạn sẽ không thể tiếp tục làm việc được lâu nữa đâu.

Lời kết

Sẽ rất khó để có thể tìm ra ai đó có đủ 12 triệu chứng nêu ra trong bài viết này nhưng tất cả những người nghiện công việc sở hữu ít nhiều dấu hiệu trong số đó.

Liệu những mô tả này có khắc hoạ chân dung bạn hoặc ai đó bạn biết không? Nếu có, đã đến lúc bạn hoặc người đó cần sự giúp đỡ. Hãy thiết lập ranh giới cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tạo một kế hoạch quản lý stress, trong đó có thể bao gồm việc tập luyện thể thao, các hoạt động vui chơi, hoặc các kế hoạch xã hội để thư giãn.

Dù thế nào đi nữa, đừng quá đắm mình trong thế giới của một kẻ tham công tiếc việc – vì người phải hứng chịu hậu quả nhiều nhất chính là bạn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]