"Chúng tôi không được phép từ chối bệnh nhân"
Năm 2014, cụ bà Nguyễn Thị Đặng (81 tuổi, Bình Dương) được chẩn đoán là ung thư xương hàm dưới. Bà được gia đình đưa đi khám ở nhiều nơi trong tình trạng tuyệt vọng. Các biện pháp xạ trị hay điều trị thuốc nam, thuốc bắc đều không ngăn được khối u phát triển nhanh từng ngày.
Tháng 2.2015, khi cụ tìm đến Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV thì khối u đã phá hủy xương, xuyên qua da. Vùng xương hàm trái bị hoại tử nặng nề, khối u bị sung huyết, khiến tế bào ung thư phát triển với tốc độ nhanh. BS Bertrand Farnault, Trưởng trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng kết hợp cùng BS Nguyễn Quảng Đại - Trưởng khoa Tai mũi họng khám và hội chẩn. Các bác sĩ kết luận chỉ còn giải pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u. Và đây là liệu pháp cuối cùng; đầy rủi ro và thách thức.
Ngoài 80, ở tuổi gần đất xa trời, gia đình bà Đặng không mong cứu bà khỏi bệnh mà chỉ mong làm cách nào để loại bỏ khối u, giúp cụ hưởng những ngày cuối cùng không bị hành hạ khổ sở. “Tôi chỉ mong được giải thoát khỏi nó, để có thể ăn uống bình thường rồi chết cũng cam lòng” bà cụ nói trong đau đớn. Hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, nhỏ thó, mang khối u khổng lồ choán gần hết nửa mặt, vật vã với những cơn đau cứ ám ảnh BS Nguyễn Quảng Đại, người nổi tiếng với nhiều ca phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ của Bệnh viện FV.
“Phẫu thuật là liệu pháp cuối cùng để cứu sống bà cụ, nhưng cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm. Làm thế nào để không cắt khối u lớn tránh được các di chứng và không bị sót tế bào ung thư? Làm sao tái tạo được hàm và khuôn mặt cho bệnh nhân sau phẫu thuật phục hồi được chức năng nói và nuốt. Chưa kể bệnh nhân ở tuổi 81, với ca mổ kéo dài sẽ có nhiều rủi ro khó lường... Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi quyết tâm phải cứu bà cụ” BS Đại chia sẻ.
Chiến thắng kép: cứu sống bệnh nhân và trả lại đời sống sinh hoạt bình thường
8 giờ 30 sáng, ca mổ bắt đầu. Các bác sĩ vào cuộc với tinh thần sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất, kể cả trường hợp bệnh nhân có thể tử vong trên bàn mổ. Ê kíp mổ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng gồm 2 bác sĩ gây mê, 4 bác sĩ phẫu thuật, 1 bác sĩ giải phẫu bệnh và 3 y tá. Đầu tiên, kíp mổ thứ nhất, do BS Đại phụ trách, khẩn trương mở khí quản bệnh nhân, nạo vét hạch cổ, loại bỏ khối u 12 cm. Bác sĩ bệnh học xác định đã sạch tế bào ung thư. Kíp mổ thứ 2 nhanh chóng nhập cuộc, chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình lấy một vật tự do da xương mác để tái tạo xương hàm và vùng má. Các bác sĩ tỉ mẩn nối từng mạch máu, tái tạo da niêm mạc phía trong khoang miệng và má ngoài.
Hai kíp mổ đứng suốt nhiều giờ liền bên bàn mổ, khéo léo tái tạo lại sự sống và dáng mặt cho cụ bà 81 tuổi. Bác sĩ gây mê mắt không rời màn hình, theo dõi sát sao những con số về huyết áp, nhịp tim của bệnh nhân để sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ nhất. 6 giờ tối ca mổ kết thúc, các bác sĩ rời phòng mổ, tháo khẩu trang để lộ nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt hằn in những sự mệt mỏi sau cuộc chiến đầy căng thẳng.
Người em gái, thân nhân của bà cụ từ Mỹ về tưởng chỉ để gặp mặt chị mình lần cuối, rưng rưng nước mắt: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, nhưng BS Nguyễn Quảng Đại là người duy nhất không từ chối bằng câu nói: “Thôi không mổ được đâu”. Nào ngờ chị tôi còn được cứu sống”.
Sau ca mổ kéo dài 10 tiếng đồng hồ là chuỗi ngày các y bác sĩ... nín thở theo dõi sự hồi phục của bà cụ. 3 tuần sau bệnh nhân hồi phục, có thể ăn uống bình thường trước sự vui mừng của gia đình. Gặp lại bà cụ, nghe cụ kể mình đang sống vui cùng con cháu, BS Đại thấy lòng rộn lên niềm vui. Đó chính là sự tưởng thưởng tuyệt vời cho người thầy thuốc sau mỗi cuộc dấn thân đầy cam go. Việc điều trị cho những bệnh nhân nguy cơ cao luôn đòi hỏi không chỉ cái tâm, cái tầm mà cả lòng dũng cảm của y bác sĩ dám đương đầu với những ca bệnh khó, giành lấy cơ hội sống từng ngày cho bệnh nhân.
Dung Nguyên / Thanh niên