Bệnh tim và thai sản

Quan điểm trước đây cho rằng, khi bạn bị bệnh tim thì không nên lấy chồng; nếu lấy chồng, không nên mang thai; nếu có thai, không nên đẻ; nếu đẻ, không nên cho con bú...

31.213
>>

Đa số các bệnh tim hiện nay có thể được chữa một cách hiệu quả để trả người phụ nữ trở về cuộc sống bình thường. Bản thân các bệnh tim mạch lại có nhiều thể và mức độ khác nhau. Với nhiều bệnh tim thể nhẹ (chiếm đa số), việc mang thai hầu như không ảnh hưởng nhiều đến người mẹ.

Những biến đổi của tim và mạch máu khi mang thai


Khi người phụ nữ có thai, sẽ xuất hiện các biến đổi của tim và mạch máu. Chúng  làm tăng công cơ tim và tăng gánh nặng cho sản phụ. Các biến đổi đó bao gồm:

- Tăng thể tích máu: trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, thể tích máu tuần hoàn sẽ tăng lên 40 - 50% và duy trì ở mức này trong suốt quá trình mang thai.

- Tăng cung lượng tim: cung lượng tim sẽ tăng lên 30 - 40%, tương ứng với mức tăng thể tích máu.

- Tăng nhịp tim: thông thường, khi mang thai, nhịp tim sẽ tăng lên 10 - 15 nhịp/phút.

- Hạ huyết áp: ở một số người, huyết áp có thể giảm khoảng 10mmHg trong quá trình mang thai. Nguyên nhân là do biến đổi nội tiết tố và tăng lượng máu chạy thẳng đến tử cung. Phần lớn các trường hợp hạ huyết áp không gây triệu chứng và không cần điều trị. Bác sĩ sẽ theo dõi số đo huyết áp của sản phụ vào những lần khám thai định kỳ.

Những biến đổi trên là bình thường trong quá trình mang thai, đảm bảo thai nhi được cung cấp đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng. Chúng có thể gây một số triệu chứng như mệt mỏi (cảm thấy kiệt sức), khó thở, váng đầu. Các triệu chứng đó không có gì bất bình thường, tuy nhiên nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy đi khám bác sĩ.

Phụ nữ có bệnh tim cần lưu ý đặc biệt trước và trong khi mang thai. Một số bệnh tim mạch có thể làm tăng nguy cơ biến chứng của sản phụ. Ngoài ra, có những người mắc bệnh tim từ trước mà không biết, chỉ được phát hiện khi đã mang thai.

Phụ nữ có bệnh tim cần làm gì khi dự định mang thai?

Phụ nữ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai. Nếu bạn có sẵn bệnh lý tim mạch, đặc biệt giống như những bệnh dưới đây thì cần hết sức thận trọng và có sự phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc:

- Tăng huyết áp, hoặc tăng mỡ máu.

- Tiền sử được chẩn đoán bệnh lý tim mạch, gồm bệnh động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, có tiếng thổi ở tim, bệnh cơ tim, suy tim, hội chứng Marfan, thấp tim.


- Tiền sử có biến cố tim mạch (như đột quỵ hay tai biến mạch não thoáng qua).

- Giảm khả năng gắng sức, tương ứng khó thở độ III hoặc IV theo phân loại NYHA. Phân độ NYHA của Hiệp hội Tim mạch New York (New York Heart Association) đánh giá bệnh nhân theo 4 mức I-II-III-IV tùy theo khả năng gắng sức của người bệnh hoặc tình trạng tím trên lâm sàng (tím là sự biến đổi màu sắc da sang màu xanh tím, chứng tỏ cơ thể không nhận đủ máu giàu oxy).

- Hẹp khít van hai lá, van động mạch chủ, hoặc đường ra động mạch chủ, xác định trên siêu âm tim.

- Phân số tống máu thất trái (EF) dưới 40%. Phân số tống máu EF phản ánh lượng máu được bơm khỏi tim trái trong mỗi nhát bóp của tim. Nó đánh giá chức năng bơm máu của tim còn tốt hay không. Giá trị bình thường của EF là 50 - 70%.

Một tin vui là, phần lớn những phụ nữ có bệnh tim mạch đều có thể mang thai an toàn và đẻ con khỏe mạnh.

Tuy vậy, bác sĩ sẽ khuyên một số trường hợp chưa hoặc không nên mang thai một khi bệnh tim nặng hoặc chưa được sửa chữa tốt:

- Các bệnh tim mạch nói chung gây suy tim nặng mà chưa được chữa tốt hoặc không chữa được.

- Các bệnh tim bẩm sinh có tím chưa được sửa chữa hoặc bệnh tim bẩm sinh đã gây tăng áp lực động mạch phổi nặng.

- Các bệnh van tim (hẹp hoặc hở van nặng) mà chưa được điều trị triệt để (nong van, phẫu thuật…).

- Các bệnh động mạch chủ (phình, giãn…) chưa được sửa chữa.

- Các rối loạn nhịp trầm trọng hoặc tăng huyết áp nặng chưa được khống chế tốt…

AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]