Cách điều trị khi bị cảm, cúm, ho

0

Thời tiết thất thường, cơ thể sau một đợt làm việc, vui chơi quá sức dễ bị cảm lạnh, cúm, ho… Đây là những bệnh thông thường nên người bệnh hiếm khi nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục làm việc, dẫn đến lây lan bệnh.

Bên cạnh thời tiết, còn có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác như:

– Đi du lịch, về quê thăm thân nhân, phải di chuyển nhiều, đối mặt với nắng gió, ô nhiễm không khí, thay đổi nhiệt độ.

– Thay đổi môi trường, lối sống, thói quen, món ăn… khiến hệ miễn dịch suy yếu nên cảm cúm thừa cơ hội… tấn công.

– Cảm ho được cho là bệnh nhẹ nên người mang mầm bệnh “xông pha” ra đường, khiến cho nguồn bệnh trong cộng đồng gia tăng.

– Ăn ngủ thất thường, rối loạn nhịp sinh học, làm suy yếu kháng thể, vi rút cảm mạo được dịp thắng thế.

– Bên cạnh “giặc ngoài” còn có “thù trong” là những căng thẳng, lo lắng cũng góp phần làm yếu kháng thể, dọn đường cho cảm cúm vào “nhà”.

Phân biệt cảm và cúm

Cảm gồm các triệu chứng: ho, sổ mũi, nhức đầu. Cúm gồm: đau nhức cơ bắp, ho, mệt mỏi…

Cảm hay cúm thường có triệu chứng chung là ho. Ho cảm cúm chỉ là phản xạ của cơ thể nhằm tống khứ những thứ gây hại cho cơ thể ra ngoài. Ho có thể kéo dài đến hai-ba tuần. Điều cần biết thêm là đường hô hấp sau khi bị siêu vi tạm trú thì nhiều tuần sau đó vẫn chưa lành, chỉ cần “tái ngộ” không khí lạnh, môi trường ô nhiễm, khói thuốc… là “húng hắng” lại ngay.

Ho rất khó chịu, vì thế không ít người tìm đến nhà thuốc. Thuốc ho mua không cần toa của bác sĩ (BS). Tuy nhiên, đã là thuốc thì có người hợp, người không và cũng có các phản ứng phụ của thuốc: dị ứng, nôn ói… Ngoài ra, thuốc ho chỉ trị triệu chứng nên đôi khi che lấp bệnh. Do đó, khi dùng thuốc theo toa BS hay tự dùng đều cần đọc hướng dẫn trước khi sử dụng. Sau khi uống thuốc, nếu người mệt hơn, nôn ói…, cần ngưng thuốc và đi khám. Cảm, ho do thời tiết thường rất nhẹ, nhưng khi thấy cơn ho không chỉ dừng lại “húng hắng” mà ho thường xuyên hơn, sau cơn ho có cảm giác đau, rát, ho đến nỗi mất tiếng thì nên tìm đến BS vì có thể đã bị viêm phế quản, viêm phổi…

BS Lê Thiện Anh Tuấn – Hội Y học TP.HCM khuyên: “Không nên tự dùng thuốc ho cho các đối tượng: trẻ em, bà bầu, bà mẹ cho con bú, người cao tuổi… Bên cạnh ho do cảm cúm, còn có bệnh ho gà. Trẻ dưới một tuổi, nếu sau khi ho bị tím tái, cần đưa đi khám, nhất là những bé chưa chích ngừa bệnh ho gà. Trẻ trên một tuổi nếu hắt hơi, sổ mũi, sau đó từ năm-bảy ngày bị ho rũ rượi, liên tục, có tiếng thở rít kèm sốt, cần đi bệnh viện ngay, không được tự ý cho bé uống thuốc. Ho gà nếu không chữa trị kịp thời sẽ có những biến chứng nguy hiểm: viêm phổi, viêm não…”.

Thai phụ bị ho sẽ bất lợi cho thai nhi. BS Lưu Thị Thanh Loan – Phòng khám Hoàng Gia TP.HCM giải thích: “Những cơn ho khi thai phụ gần đến ngày sinh có thể tăng áp lực thành bụng, tăng áp lực buồng ối, gây kích thích cơn gò tử cung, có khả năng gây sinh non”. Thai phụ cần phòng bệnh từ xa bằng cách trước khi mang thai nên tiêm ngừa cúm mùa, Rubella. Trong quá trình mang thai, tránh tiếp xúc với những người bị cảm, ho, sổ mũi, tăng cường rửa tay để vi khuẩn mất lối vào cơ thể, khi đi ra đường cần đeo khẩu trang để tránh bụi.

Xua bệnh

Với người lớn, điều cần làm ngay sau khi bị cảm, cúm, ho là hạn chế làm việc. Cần nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ, tránh xa môi trường ô nhiễm, khói bụi… Nên dùng thức ăn ấm nóng, có nhiều nước để bù lượng dịch đã mất khi chảy mũi, hắt hơi, ho.

Ho do bị giảm đề kháng, nhiễm lạnh thì nên dùng một ít củ gừng tươi cạo vỏ, giã nát nấu lấy nước pha với mật ong để uống. Gừng giúp ấm nóng cơ thể còn mật ong thì sát khuẩn, cả hai hiệp lực giúp cơ thể hồi phục. Bài thuốc dân gian tắc chưng đường phèn cũng có công hiệu trong việc giúp giảm các cơn ho gió. Trong các món ăn nổi tiếng của Việt Nam thì phở là món ngon có công dụng giải cảm, kế đến là bún bò. Đó là những món nóng, nước lèo sôi sùng sục, còn bánh phở, bún dễ tiêu hóa, lại có cả chanh, ớt, tiêu, hành và các loại rau om, ngò gai, giá, húng quế đều là các vị thuốc mà Đông y sử dụng để “xua đuổi” cảm cúm.

Xông là cách trị cảm cúm rất tốt. Xông giúp sưởi ấm cơ thể, trực tiếp đẩy hàn khí; hơi nóng từ thảo dược còn giúp thông thoáng các tuyến mồ hôi. Không ít người khi nghĩ đến xông là chạy thẳng đến các spa, phòng xoa bóp. Có người ngồi gần cả tiếng trong phòng hơi nhiệt độ cao hết mức để giết siêu vi cho kỳ hết, xong lại tiến thẳng vào phòng xoa bóp. Đang ở nhiệt độ cao mà vào phòng xoa bóp (thường có gắn hệ thống điều hòa nhiệt độ), sự chênh lệch nhiệt độ làm “công cuộc” giữ gìn sức khỏe trở nên “xôi hỏng bỏng không”. Xông ở nhà tuy hơi phức tạp vì phải nấu, trùm mền… nhưng hiệu quả hơn. Gói lá xông thường có lá gừng, lá tía tô, lá chanh, lá sả… đây là những loại lá có tinh dầu giúp thông phổi, hoạt huyết. Sau khi xông, uống một ly nước gừng mật ong hoặc ăn tô cháo giải cảm với hành và lá tía tô xắt nhuyễn. Sau đó, nằm nghỉ ngơi trong phòng kín gió ít nhất bốn tiếng đồng hồ và giữ cơ thể luôn khô, ấm (có mồ hôi phải lau ngay). Cơ thể đẫm mồ hôi rất dễ tái nhiễm lạnh.

Lương Y Đinh Công Bảy – Hội Dược liệu TP.HCM cho biết: “Củ cải trắng là vị thuốc Đông y dùng để trị ho. Cách dùng đơn giản: có thể dùng củ tươi nấu xúp hoặc xào với hẹ, hoặc xắt nhỏ phơi khô hãm nước uống”. Một bài thuốc mà ông bà ta hay dùng để trị ho là uống nước hầm củ cải với gạo lứt. Lấy hai nắm gạo lứt với hai củ cải trắng xắt nhỏ, hầm nhừ lấy nước uống. Sau khi uống, sẽ thấy cơn ho dịu, rất dễ chịu.

Buổi sáng, khi ngủ dậy nên súc miệng bằng nước muối ấm pha nhạt hơn nước canh một chút. Khi súc nên ngửa cổ để khò, nước muối nhạt này có công dụng diệt khuẩn, trị viêm họng. Sau đó, ngâm chân trong nước ấm 15 phút. Sau khi ngâm sẽ thấy toàn bộ cơ thể ấm nóng, tốt hơn nữa là thêm vài giọt tinh dầu yêu thích: oải hương, sả, khuynh diệp… Nên rửa mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Chỉ cần nghỉ ngơi từ một-hai ngày là khỏi bệnh. Bằng không, bệnh sẽ rất… chung tình, đeo bám không buông! Thời gian bệnh “sống chung” sẽ dài hơn nếu tiếp tục bị tái nhiễm lạnh… Ngoài ra cần lưu ý: nếu tự chữa trị trong vòng ba ngày mà bệnh không thuyên giảm, lại còn có “hàng khuyến mãi” là nuốt đau, ho nhiều, trong người đau nhức, khó thở, có kèm sốt… thì cần đến BS để điều trị.

Muốn phòng bệnh từ xa, cần giữ ấm cơ thể, nhất là khi có sự chênh lệch nhiệt độ, ví dụ từ trong căn phòng ấm bước ra ngoài trời vào lúc sáng sớm, từ phòng máy lạnh bước ra ngoài vào giữa trưa, đi đêm đi hôm… Nên trang bị một chiếc khăn quàng cổ, để giữ ấm cửa ngõ mà siêu vi hay tấn công. Chiếc áo khoác mỏng trong túi xách cũng là “trợ thủ” giúp cơ thể chống lại sự thay đổi nhiệt độ. Người cao tuổi dễ tổn hại sức khỏe vào mùa này.

TS Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y Dược TP.HCM lý giải: “Do thời tiết giao mùa nên cơ thể người cao tuổi khó đáp ứng. Kế đến là sinh hoạt trong những ngày Tết bị đảo lộn, ăn uống thất thường. Đó là chưa kể trong gia đình có xung đột gây ra nhiều lo lắng, rối loạn, uống thuốc thất thường hoặc quên uống thuốc…”. Do đó, trong gia đình có người cao tuổi cần lưu ý nhắc nhở người thân thay đổi giờ tập thể dục, thay vì tập quá sớm. Nên chờ có chút nắng ấm hoặc tập lúc chiều vừa tắt nắng để không bị nhiễm cảm, đột quỵ do cơ thể lão hóa không thay đổi kịp với thời tiết. Mỗi sáng cần đo huyết áp, uống thuốc huyết áp trước khi tập. Không tập gắng sức, khi mệt phải nghỉ ngay, không được cố gắng, rất dễ bị đột quỵ. Người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết, uống thuốc theo hướng dẫn của BS, cần chú ý các triệu chứng và kiểm tra sức khỏe trước khi đi xa.

Siêu vi cảm cúm lây qua đường hô hấp. Để hạn chế bệnh lây lan, người bệnh cần sử dụng khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi…

Theo PHƯƠNG NAM/Phunuonline.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]