Cách làm mới giữ chân người lao động

Với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tuyển rồi mất người, tuyển lại là một trong những khó khăn để ổn định sản xuất. Thay vì bực bội, suy nghĩ thêm nhiều ràng buộc trong hợp đồng, một số chủ doanh nghiệp đã có những cách làm khác để thu hút và giữ người lao động gắn bó với mình.

15.5977

Sài Gòn Food không quá khó khăn khi cần tuyển dụng thêm lao động.

CôngThương - Ông Đặng Văn Dũng, giám đốc công ty TNHH sản xuất – xây dựng Á Châu có cách suy nghĩ thoáng: “Cay cú với anh em bỏ đi thì mất thời gian vô ích. Cứ cởi mở thì sẽ nhận được sự cởi mở”.

Không muốn người đi thì chủ phải chạy

Ông Dũng nói: “Giữ người lao động, lương bổng vẫn là chính, ngoài ra còn phải quan tâm chia sẻ cuộc sống riêng của họ nhiều hơn. Một trong những cách giữ người hữu hiệu hiện nay là phải tìm công việc liên tục cho họ”. Một thực tế diễn ra ở công ty TNHH Sản xuất – xây dựng Á Châu hiện nay là nhiều công nhân thích làm tăng giờ để có thêm thu nhập, nên ông Dũng phải sắp xếp sao cho có việc cho họ tăng ca. Ông Dũng tâm sự: “Thật ra không muốn tăng ca vì tổ chức làm thêm giờ thì tốn thêm điện, nước, trả lương gấp 1,5 lần mà năng suất không bằng ca chính vì lúc đó người lao động mệt, còn tốn thêm một bữa ăn tăng ca”.

Mặt khác, tổ chức tăng ca thì ban giám đốc bị áp lực là phải tìm thêm đầu ra cho sản phẩm. Nói vậy, nhưng vì muốn giữ tinh thần cho công nhân ổn định nên chính ông Dũng càng phải lao vào việc tìm kiếm thị trường, tháng này mà chưa thấy đơn hàng của ba tháng tới là phải lo chạy thuyết phục khách hàng. Vì thế, từ việc muốn nâng cao cuộc sống người lao động đã kéo theo chuyện phải chăm sóc tốt khách hàng, nghĩ những sản phẩm mới, cải tiến liên tục để khách hàng thấy doanh nghiệp có nguồn hàng đa dạng mà đặt hàng.

Ông Đặng Quốc Hùng, chủ tịch công ty thủ công mỹ nghệ Kim Bôi mừng vì doanh nghiệp đã ký được hợp đồng từ nay đến cuối năm, nhưng ông lại lo nếu không giữ được giá thành thì sẽ không có lợi nhuận hoặc thua lỗ. Nhiều khách hàng viện tình hình kinh tế khó khăn, trả giá thấp, nếu chấp nhận giá thấp thì không thể trả công lao động cao. Cái khổ của doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là vẫn phải sử dụng lao động làm tay nhiều và thường phải thuê thêm lao động gia công. Thu nhập chính là từ lương sản phẩm nên cả hai đối tượng lao động này đều muốn có nhiều hàng để làm, nếu doanh nghiệp để mỗi tháng mà rảnh việc 5 – 6 ngày là có khả năng mất người. Vì vậy, ông Hùng vừa chạy tìm hợp đồng bán hàng đều đặn, vừa suy nghĩ làm sản phẩm có giá trị cao để có thể bán giá cao hơn, có thể tăng tiền công cho người lao động. Kim Bôi đã thành công khi dùng chỉ xơ dừa làm những sản phẩm phục vụ cho công nghiệp như đai cột thép bán cho các công ty sản xuất thép cuộn, làm tấm xơ dừa dùng hút bụi sơn trong các nhà máy sản xuất đồ gỗ hay xe máy, làm tấm lưới xơ dừa cho nơi đáp máy bay giàn của khoan dầu khí.

Sản xuất phát triển khi lo việc cho cả làng

Ban lãnh đạo công ty cổ phần Sài Gòn Food cũng nhận thấy có việc làm thường xuyên bao giờ cũng làm người lao động yên tâm hơn. Cái cảnh nghỉ nhiều hưởng trợ cấp khó giữ chân mọi người, nhất là những người nhập cư tìm việc. Trong các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai khá đông người nhập cư từ các tỉnh vào làm việc. Nhiều doanh nghiệp không thích tuyển dụng nhiều người cùng quê vào làm chung một chỗ vì ngại họ dùng lợi thế số đông hay đưa yêu sách và khi không hài lòng thì kéo nhau cùng nghỉ. Thế nhưng, lãnh đạo Sài Gòn Food lại nghĩ khác: một khi đã quyết định xa nhà kiếm sống, hầu như ai cũng chịu khó làm việc. Thể hiện cái tình để giữ công nhân trước tiên là làm cho họ có thu nhập đủ sống, rồi thu nhập ổn định ở mức cao, kế đến là lo đầy đủ chính sách bảo hiểm, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ… Cảm nhận được sự chăm lo của doanh nghiệp, chính những công nhân đồng hương sẽ động viên, bảo ban nhau đồng tâm hiệp lực. Trao niềm tin đó, Sài Gòn Food đã không quá khó khăn khi cần tuyển dụng thêm công nhân cho việc mở rộng sản xuất qua các giai đoạn vì chính những người đồng hương với nhau giới thiệu và hướng dẫn nhau vào việc nhanh chóng. Qua mười năm hoạt động, trong hơn 1.300 công nhân viên của Sài Gòn Food có hơn 60% là người từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, trong đó xã Điền Quang có hơn 400 người.

Vào TP.HCM tìm hiểu đời sống con em của địa phương mình đang làm việc ở Sài Gòn Food, ông Hà Thanh Khứt, bí thư huyện uỷ – chủ tịch HĐND huyện Bá Thước chia sẻ rằng ông an tâm khi thấy công nhân đều vui, sống ổn định. Bá Thước là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, đất đai sản xuất nông nghiệp nghèo nàn, khó mời doanh nghiệp về đầu tư nhà máy công nghiệp vì giao thông khó khăn. Sài Gòn Food đã làm cho gia đình công nhân ở Bá Thước an tâm về công ăn việc làm của con em của họ khi ký kết nghĩa với địa phương, cam kết chăm lo cho những người lao động xa quê. Ngược lại, khi Sài Gòn Food cần tuyển dụng thêm thì chính địa phương sẽ giới thiệu người và động viên họ làm việc tốt cho công ty.

Ông Hà Thanh Khứt cho biết cách nghĩ và việc đã làm của Sài Gòn Food như một mô hình để huyện Bá Thước mạnh dạn đặt vấn đề với các doanh nghiệp khác tuyển dụng lao động ở huyện. Có thể trong năm nay và năm tới, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ tuyển khoảng 1.000 lao động của huyện Bá Thước.

Theo SGTT

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]