Chữa chảy máu cam

Chảy máu cam ở trẻ ít khi là biểu hiện của một bệnh nghiêm trọng. Điều thiết yếu là phải biết xử lý bằng phương pháp đơn giản như kẹp lỗ mũi ít nhất 5-10 phút. Nếu có viêm mũi do nhiễm khuẩn thì phải chữa trị.

15.5925

(Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống)

Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây chảy máu cam là độ ẩm thấp (hanh, khô) hoặc chấn thương. Nếu chảy máu cam kéo dài, phải nghĩ đến việc sàng lọc bệnh về máu (tiểu cầu, giãn mao mạch di truyền...).

Khi trẻ bị chảy máu cam, nên cho nằm cao đầu. Việc quan trọng và đầu tiên phải làm là kẹp ngay lỗ mũi ít nhất 5-10 phút. Sau đó, dùng bông hoặc gạc hút nước, thấm và lấy hết máu cục ở lỗ mũi.

Nếu vẫn chảy máu, nên đưa con đi khám. Bác sĩ sẽ dùng gạc hút nước thấm một trong những dung dịch dưới đây vào niêm mạc mũi nghi chảy máu:

Dung dịch oxymetazolin: Lọ thuốc nhỏ giọt 0,025-0,05%. Thuốc có tác dụng co mạch tại chỗ, dùng trong các trường hợp viêm cương tụ mũi, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, chấn thương, chảy máu cam.
Không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, glaucoma góc đóng, tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, bí đái. Tác dụng phụ có thể gặp là hắt hơi, rát tại chỗ, khô miệng họng. Thuốc chỉ dùng ngắn ngày. Nếu dùng dài ngày sẽ gây đau đầu, mất ngủ, hồi hộp, kích thích.

Dung dịch phenylephrin 2,5-5%: Thuốc có tác dụng co mạch nhỏ, chống chảy máu trong các trường hợp phẫu thuật nhỏ, chảy máu cam. Chống chỉ định trong các trường hợp glôcôm, tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường, bí đái, xơ cứng động mạch, trẻ dưới 6 tuổi. Chỉ dùng thuốc ngắn ngày. Đặc biệt không được dùng cùng lúc với các thuốc trị tăng huyết áp, thuốc ức chế aminooxydase, các amin cường giao cảm khác, trước khi gây mê bằng halogen.

Sau khi đặt thuốc ngừng chảy máu, cần đắp chất dầu đông hoặc nhỏ mũi dung dịch natri chlorid 0,9% để giữ cho mũi luôn luôn được ẩm. Đặc biệt, dặn trẻ không được cạy mũi hoặc xì mũi mạnh, nhất là khi mới đỡ chảy máu.

DS. Phạm ThiệpSức Khỏe & Đời Sống

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]