Con có thể không mắc bệnh, dù mẹ nhiễm siêu vi B

Nhiều thai phụ khi biết bị viêm gan siêu vi B rất hoảng hốt lo sợ. Họ nghĩ rằng con mình sinh ra sẽ bị lây bệnh rồi phát sẽ phát triển thành ung thư, xơ gan... Nhưng bác sĩ chuyên khoa khẳng định, trẻ sẽ không mắc bệnh nếu được tiêm phòng ngay lúc mới sinh.

15.5995

Khi đi khám thai, chị Uyên được bác sĩ cho biết đang bị nhiễm viêm gan siêu vi B. "Mặc dù bác sĩ cứ bảo đừng lo lắng, đợi khi sinh bác sĩ sẽ có hướng dẫn nhưng lại không giải thích rõ ràng làm tôi sợ lắm. Tôi cảm thấy rất suy sụp, không biết con có bị nhiễm viêm gan siêu vi B ngay từ lúc mới lọt lòng không, rồi cháu có bị ung thư hay xơ gan...", chị Uyên nói trong tâm trạng hoang mang, lo sợ cùng cực. 

Chị Uyên cũng không biết mình bị nhiễm viêm gan siêu vi B từ lúc nào. Vì khi chưa kết hôn, chị thỉnh thoảng vẫn đi khám sức khỏe, làm các xét nghiệm tổng quát. Nơi thực hiện là trung tâm y khoa nổi tiếng. Lần nào kết quả cũng rất tốt, không có dấu hiệu mắc một căn bệnh truyền nhiễm nào. Chồng chị cũng là người sống có quy củ nề nếp, cả hai người rất tin nhau nên không kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. "Giờ phát hiện bị bệnh không biết là ai lây cho ai nữa", chị Uyên ngậm ngùi.

Chờ khám thai tại Trung tâm y tế. Ảnh: M.L

Các chuyên gia xác định, viêm gan siêu vi B lây lan qua ba đường: lây truyền bằng đường máu, từ mẹ sang con và qua đường quan hệ tình dục. Và khi mẹ mắc bệnh khả năng lây sang con là rất cao. Theo các nhà chuyên môn, đến nay, cơ chế lây truyền viêm gan siêu vi B lúc sinh và sau sinh vẫn chưa được xác định, nhưng cho dù sinh bằng cách nào mẹ vẫn có thể lây bệnh sang cho con. Nhưng con sẽ được phòng bệnh nếu được tiêm phòng chậm nhất 2 giờ sau khi lọt lòng. Cho dù mẹ nhiễm viêm gan siêu vi B nhưng trong quá trình mang thai, siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu tới bào thai, thai nhi phát triển tốt và không có nguy cơ dị dạng. Chỉ khi mẹ bị viêm gan siêu vi B nặng vào 3 tháng cuối của thai kỳ thì mới có nguy cơ sinh non.

Còn theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa khám thai Bệnh viện phụ sản Hùng Vương TP HCM, thông thường mẹ có bệnh viêm gan siêu vi B sẽ lây sang con nhưng không phải trường hợp nào cũng lây vì còn tùy thuộc vào khả năng đề kháng của người mẹ khi đang mang thai. Giai đoạn 3 tháng cuối nguy cơ cao hơn, chuyển dạ chính là thời điểm bắt đầu lây.

Bác sĩ Dung Hạnh khẳng định, "nếu xác định chắc chắn mẹ mắc bệnh cũng không cần quá lo lắng vì trong quá trình mang thai sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách thức làm thế nào tốt nhất đối với thai nhi. Trẻ sau khi lọt lòng sẽ được hướng dẫn tiêm phòng lập tức và không có nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện tiêm phòng đúng và đủ định kỳ".

Đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay trong phòng sinh. Sau đó tiêm văcxin ngừa viêm gan siêu vi B theo công thức 3 mũi (mũi 1 sau khi sinh, mũi 2 khi trẻ 1 tháng tuổi, mũi 3 khi được 6-12 tháng). Sau 15 năm, cần tiêm nhắc lại là sẽ không mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần cho trẻ bú sữa mẹ ngay vì đó là nguồn dinh dưỡng tốt nhất chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật.

Bác sĩ khuyên cả hai người nam nữ cần kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn cho dù có lối sống lành mạnh và tin tưởng đối phương. Như thế sẽ bảo đảm tránh được các bệnh có thể lây truyền qua đường quan hệ tình dục vì vợ chồng rất ít khi áp dụng các biện pháp bảo vệ. Và vì có nhiều bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con nên người phụ nữ càng nên kiểm tra sức khỏe khi quyết định mang thai để tránh vô tình lây bệnh cho thai nhi. Bên cạnh đó, bác sĩ nên giải thích rõ ràng về việc lây truyền và tình hình sức khỏe để các sản phụ yên tâm. "Có nhiều sản phụ vì không được giải thích rõ ràng nên rất hoang mang lo lắng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn con", bác sĩ Dung Hạnh cho biết thêm.

Võ An

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]