Mệt rã rời dù không có bệnh

Bạn thấy thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung chú ý, đau đầu, đau cơ, khó ngủ, thậm chí đau họng, sốt nhẹ nhưng đi khám không phát hiện ra bệnh gì? Có thể bạn bị chứng mệt mỏi mạn tính.

15.5878

Ảnh: Corbis.

Hội chứng này khá phổ biến, hay gặp ở lứa tuổi từ 25 đến 45, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nam giới. Những nghiên cứu gần đây đối với bệnh nhân mệt mỏi mạn tính cho thấy có sự bất thường về chức năng nội tiết, làm giảm sự giải phóng corticotropin ở não.

Bệnh nhân đang năng động bỗng trở nên thụ động, uể oải, mệt mỏi dai dẳng, không đỡ sau khi nghỉ ngơi, có thể đau đầu, đau họng, sưng hạch, đau cơ và đau khớp. Bệnh nhân thường có sốt nhẹ, gây chẩn đoán nhầm là có bệnh nhiễm khuẩn.

Sau vài tuần, những dấu hiệu trên giảm dần đi, nhưng một số triệu chứng khác trở nên rõ rệt hơn như rối loạn giấc ngủ, khó tập trung chú ý và trầm cảm.

Vào giai đoạn cao điểm, người bệnh thường cảm thấy đau ở nhiều nơi và khó tập trung, căng thẳng quá mức về thể xác và tinh thần. Người bệnh thường đi khám chuyên khoa dị ứng, tim mạch, truyền nhiễm, tâm thần... song thường không tìm ra bệnh. 

Phần lớn bệnh nhân vẫn có thể làm việc. Một số người cảm thấy không đủ khả năng làm gì, thậm chí còn phải có người giúp đỡ trong các hoạt động hằng ngày.

Người mệt mỏi mạn tính cần được chăm sóc và điều trị lâu dài. Liệu pháp tâm lý và một số thuốc có thể giúp cải thiện như thuốc giảm đau, chống dị ứng, chống trầm cảm. Bệnh nhân nên ăn uống điều độ, tránh uống rượu và cà phê vào ban đêm. Không nên nghỉ ngơi hoàn toàn nhưng cũng không nên hoạt động căng thẳng.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]