Con thiếu canxi khóc ngằn ngặt cả đêm: Mẹ loay hoay chữa mẹo

Vừa mới sinh chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) đã bị stress nặng vì cô con gái 4 tháng tuổi khóc ngằn ngặt suốt 1 tháng trời gần đây.

15.606

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu

Đủ chiêu chữa mẹo

Mẹ chồng chị xuống chăm cháu, hàng ngày hai bà cháu cứ ôm nhau ngủ. Chỉ đêm về, là cô bé bắt đầu khóc. Ai dỗ cũng không được, ai bế đổi tay cũng không xong. Bé chỉ dịu đi khi chị Hương bế đi vòng quanh phòng, vừa đi vừa đung đưa, dỗ dành. Có lúc bé mệt quá, thiêm thiếp ngủ chị khe khẽ ngồi xuống giường, ấy vậy mà ngay lập tức bé lại khóc ré lên không chịu.

Mẹ chồng chị Hương khẳng định bé bị khóc dạ đề nên bà tìm mọi cách chữa mẹo. Nào thì chẻ đũa, nào thì đốt hương, nào thì kê dao dưới gối. Thậm chí đi kiếm cả roi dâu để trong phòng nhưng càng ngày bé càng khóc nhiều hơn.

Bé bỏ bú, mồ hôi lúc nào cũng vã ra như tắm, lúc này chị Hương mới đưa con đi khám. PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết con chị Hương hay khóc về đêm là do bị bệnh còi xương, chứ không phải là khóc dạ đề bình thường.

Theo PGS Dũng, nguyên nhân có thể vì trẻ sống trong gia đình quanh năm thiếu ánh sáng, phòng không có ánh sáng vào nên bé thiếu vitamin D dẫn đến còi xương. Biểu hiện sớm của bệnh còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc phía sau đầu (vành khăn). Nếu không điều trị, sau 3 tuần dần dần sẽ xuất hiện các triệu chứng ở xương.

PGS Dũng cho biết, tuỳ theo từng lứa tuổi mà biến đổi ở xương khác nhau:  Ở trẻ nhỏ có thể sờ thấy xương sọ mềm, do tư thế nằm đầu dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau, hoặc một bên. Thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to có bướu, răng mọc chậm, men răng xấu.  

Ở trẻ lớn hơn thường có biến đổi xương lồng ngực. Các cơ nhẽo làm cho trẻ chậm biết lẫy, bò, ngồi, đứng, đi. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng như: lồng ngực biến dạng, ngực nhô ra phía trước như ngực gà, gù, vẹo cột sống, chân tay cong, chân vòng kiềng, chân chữ bát, khung chậu hẹp.

“Các biến chứng của xương sẽ làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ ở trẻ gái. Ngoài ra trẻ còn bị xanh xao, thiếu máu và hay bị viêm phổi tái đi tái lại” – PGS Dũng nhấn mạnh.

Cần chú ý chế độ dinh dưỡng

Theo TS. Hoàng Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ bị còi xương, ngoài việc điều trị vitamin D theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ. Trong đó, các bà mẹ cần lưu ý cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tuyệt đối không cai sữa khi trẻ chưa đủ 12 tháng tuổi.

“Đặc biệt, nhiều bà mẹ thường có thói quen ninh cháo, nấu bột cho con bằng nước ninh xương bởi họ nghĩ sẽ có nhiều chất bổ dưỡng. Thực chất thứ nước này rất ít canxi, thậm chí khiến trẻ khó hấp thu” – TS Thanh nhấn mạnh.

Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo để phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ cần phải phòng bệnh ngay từ khi còn là bào thai. Các bà mẹ phải được ăn uống đủ chất, tăng cường những thực phẩm có nhiều can xi như: tôm, cua, cá, trứng sữa, đậu đỗ trong suốt thời kỳ mang thai.

“Các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay trong vòng một giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18 hoặc 24 tháng. Từ 6 tháng trở đi cho trẻ ăn bổ sung với những thức ăn giàu can xi và cho ăn thêm các loại rau, đặc biệt là thêm dầu mỡ” – TS Thanh cho biết thêm.

PGS Dũng cũng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tắm nắng ngay trong tháng đầu sau đẻ vào buổi sáng từ 10 đến 15 phút, chỉ cần để hở hai cẳng chân cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Nơi ở của trẻ cần thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn cho tắm nắng vào buổi sáng, tuỳ thuộc vào mùa, thời gian tăng dần 5 – 20 phút sau mỗi ngày.  

Ngô Châu Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]