Đẻ mổ bao lâu thì có sữa?

Đối với đẻ mổ, các bà mẹ thường có sữa muộn hơn là sinh thường. Việc cho bé bú sữa mẹ ngay ngày đầu tiên sau mổ giúp sự lên sữa nhanh và nhiều hơn.

0

Khi nào có sữa sau đẻ mổ?

Hiện tại các ca sinh mổ thường sử dụng phương pháp tê tủy sống hoặc tê ngoài màng cứng chứ hiếm khi sử dụng gây mê. Các loại thuốc này thường không ảnh hướng đến việc cho con bú nên có thể cho em bé bú ngay sau khi sức khỏe bà mẹ cho phép, thường là 5 -6 giờ sau khi hồi sức cho mẹ (thời gian từ phòng hồi sức sau mổ về phòng bệnh). Sinh mổ hay sinh thường thì lượng sữa mẹ đều như nhau.

Theo các chuyên gia y tế, việc sản phụ mổ đẻ cho con bú ngay trong một giờ đầu sau sinh hoàn toàn không có hại. Vấn đề là bà mẹ cần người trợ giúp để đỡ bé được bú trong tư thế thoải mái nhất.

Việc cho trẻ sơ sinh bú mẹ ngay từ giờ đầu tiên sau sinh rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Những giọt sữa đầu tiên (sữa non) rất giàu chất dinh dưỡng và kháng thể, nuôi dưỡng bé ngay sau khi chào đời và bảo vệ bé khỏi bệnh tật. Theo ý kiến của các bác sĩ, việc đặt bé lên ngực và cho bé bú sẽ giúp sữa về, bé bú càng sớm thì sữa tiết ra càng sớm. Dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ và bé chỉ cần một lượng sữa mẹ từ 5-7ml mỗi lần bú trong hai ngày đầu tiên. Cơ thể mẹ hoàn toàn có thể sản xuất được lượng sữa này.

Dạ dày trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, chỉ phù hợp để tiêu hóa sữa mẹ. Nước, sữa bột và thức ăn ngoài không tốt cho bé và có thể làm bé bị tiêu chảy. Không những thế, tiếp xúc da kề da giữa bé và mẹ giúp bé ổn định thân nhiệt và nhịp thở. Đồng thời, tăng cường sự gắn bó giữa mẹ và con.

Không chỉ đem lại lợi ích cho bé, đối với mẹ, khi bé bắt đầu bú thì tử cung của mẹ sẽ co lại giúp giảm xuất huyết sau sinh và xổ nhau thai. Bé bú cũng giúp mẹ giảm hiện tượng cương tức vú thường hay gặp phải.


Sau đẻ mổ sản phụ có nên uống sữa không?

Khi sinh mổ tùy theo phương pháp được mổ: Gây tê hay gây mê mà sản phụ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống sau mổ khác nhau. Nếu sinh mổ có gây tê thì sẽ được cho ăn uống sớm, lúc đầu có thể ăn cháo loãng, sau mổ 3 giờ có thể chuyển sang ăn cơm, không cần chờ sau khi đi trung tiện mới được ăn như quan điểm xưa.

Nếu sinh mổ có gây mê thì chỉ ăn uống lại sau khi đã tỉnh hoàn toàn không còn cảm giác buồn nôn, lúc đầu có thể ăn cháo loãng, sau đó từ từ chuyển sang ăn cơm từ khoảng 6 - 8 giờ sau mổ, nếu sau khi ăn cơm bụng không đầy hơi thì có thể ăn cơm tiếp tục như bình thường.

Nên đọc

Sau mổ 3 ngày đầu không nên uống sữa ngay vì sau khi đẻ mổ người phụ nữ thường có thời gian liệt ruột cơ năng, nên bụng bị chướng hơi. Khi chưa thông ruột (chưa trung tiện) mà uống sữa sẽ dễ bị tiêu chảy. Khi đã có trung tiện (hết liệt ruột) thì người phụ nữ đẻ mổ có thể ăn uống bình thường.

Sau khi sinh dù phải sinh thường hay sinh mổ, cơ thể ít nhiều cũng mất đi một lượng máu nhất định. Do vậy để đảm bảo cơ thể được phục hồi nhanh chóng sau sinh, sản phụ cần có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, cân bằng. Điều này cũng giúp cơ thể sản xuất ra sữa mẹ đều đặn. Do vậy, sau sinh cần phải ăn đa dạng các loại thực phẩm như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, trứng... đây là những thực phẩm giàu đạm và sắt, giúp mau lành vết mổ và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt.

Hạn chế ăn uống những chất kích thích như hành, tỏi, ớt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá... Nếu sản phụ mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, bệnh lý gan thận  thì chế độ ăn phải được cân đối bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo 

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]